Nghiệm thu 01 đề án và 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường lĩnh vực Cơ khí
Chiều ngày 31/5/2019, Hội đồng khoa học Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (ĐHCNHN) tổ chức nghiệm thu 01 đề án và 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường lĩnh vực cơ khí. PGS.TS. Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường chủ tịch Hội đồng.
Đề án “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo thiết bị thí nghiệm đo áp suất, nhiệt độ của lớp màng dầu trong ổ đỡ thủy động’’ do TS. Nguyễn Văn Thắng làm chủ nhiệm cùng nhóm nghiên cứu: TS. Nguyễn Anh Tú, TS. Trần Quốc Hùng, TS. Trương Chí Công, Ths. Nguyễn Mai Anh và Ths. Lê Đăng Hà, giảng viên khoa Cơ khí.
Toàn cảnh Hội đồng nghiệm thu đề án NCKH cấp trường do TS. Nguyễn Văn Thắng làm chủ nhiệm
Trước yêu cầu đổi mới, hội nhập và nâng cao hiệu quả trong đào tạo và nghiên cứu khoa học của các ngành học kỹ thuật trong Nhà trường nói chung và của khoa Cơ khí, khoa Công nghệ Ô tô nói riêng, nhóm nghiên cứu đã thiết kế, chế tạo thiết bị thí nghiệm đo áp suất, nhiệt độ của lớp màng dầu trong ổ đỡ thủy động và biên soạn hệ thống tài liệu hướng dẫn thí nghiệm về ổ trục thủy động (04 bài thí nghiệm).
TS. Nguyễn Văn Thắng trình bày nội dung đề án nghiên cứu trước Hội đồng
Nội dung của Đề án bao gồm 13 chuyên đề chuyên sâu, trong đó có 08 chuyên đề nghiên cứu, thiết kế và 05 chuyên đề về chế tạo, lắp ráp. Cụ thể:
Chuyên đề 1: Phân tích mục tiêu và chương trình chi tiết của học phần „Ma sát trong kết cấu” trong chương trình đào tạo Thạc sĩ của ĐHCNHN.
Chuyên đề 2: Khảo sát hệ thống thí nghiệm của một số trường đại học trong nước và ngoài nước.
Chuyên đề 3: Biên soạn hệ thống tài liệu thí nghiệm về ổ trục thủy động (4 bài thí nghiệm).
Chuyên đề 4: Nghiên cứu, thiết kế phần cơ khí của bộ thiết bị.
Chuyên đề 5: Nghiên cứu, thiết kế phần thủy lực của bộ thiết bị.
Chuyên đề 6: Nghiên cứu, thiết kế phần điều khiển và thu thập số liệu của bộ thiết bị.
Chuyên đề 7: Mô hình hóa và mô phỏng chế độ làm việc của thiết bị thí nghiệm trên máy tính.
Chuyên đề 8: Chế tạo khung máy và các cơ cấu truyền động.
Chuyên đề 9: Chế tạo ổ đỡ thủy động.
Chuyên đề 10: Chế tạo phần thủy lực cấp dầu cho ổ.
Chuyên đề 11: Chế tạo phần điều khiển và thu thập số liệu.
Chuyên đề 12: Nghiên cứu, thành lập Bộ Quy trình công nghệ đánh giá độ lệch tâm của trục trong ổ đỡ thủy động.
Chuyên đề 13: Lắp đặt, kết nối các trang thiết bị và vận hành thiết bị theo yêu cầu của các bài thí nghiệm và đánh giá.
Bộ thiết bị thí nghiệm đo áp suất, nhiệt độ của lớp màng dầu trong ổ đỡ thủy động
Đề tài: “Xây dựng bài giảng E learning học phần vẽ Kỹ thuật tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội’’ do ThS. Võ Thị Như Uyên - khoa Cơ khí làm chủ nhiệm. Cùng tham gia nghiên cứu đề tài còn có PGS.TS Lê Huy Hoàng, TS. Nguyễn Xuân Chung, TS. Nguyễn Thị Hương Giang và ThS. Trần Anh Sơn.
Toàn cảnh Hội đồng nghiệm thu đề tài NCKH cấp trường do TS. Võ Thị Như Uyên làm chủ nhiệm
Theo nhóm tác giả, vẽ kỹ thuật là một trong những học phần thuộc khối kiến thức cơ sở ngành, tạo nền tảng lĩnh hội nội dung kiến thức chuyên ngành của sinh viên kỹ thuật, được giảng dạy ngay năm đầu tiên, khi mà sinh viên vẫn còn bỡ ngỡ, chưa thích ứng với cách dạy và học ở đại học.
Học phần có nội dung trừu tượng khó hiểu, do đó, nếu chỉ được giảng dạy với bài giảng truyền thống, trong không gian truyền thống sẽ khó huy động được tối đa các giác quan của người học, khó đạt được hiệu quả cao trong dạy - học.
Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài “Xây dựng bài giảng e-learning học phần Vẽ kỹ thuật tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội“ là rất cần thiết, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn đối với Bộ môn, Khoa Cơ khí nói riêng và trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nói chung.
TS. Võ Thị Như Uyên trình bày nội dung đề tài nghiên cứu trước Hội đồng
Đề tài đã tổng hợp những nghiên cứu có liên quan trực tiếp đến xây dựng bài giảng e-learning trong giáo dục đại học. Từ đó phân tích xu hướng phát triển bài giảng e-learning ở trong và ngoài nước. Xây dựng được các khái niệm về bài giảng điện tử và bài giảng e-learning.
Nghiên cứu đã chỉ ra việc sử dụng mô hình dạy học 5E “Engage (Gắn kết), Explore (Khảo sát), Explain (Giải thích), Elaborate (Áp dụng cụ thể), và Evaluate (Đánh giá)” là cách tiếp cận lí thuyết giáo dục hiệu quả để xây dựng các bài giảng e-learning; đưa ra quy trình xây dựng bài giảng e-learning cho học phần Vẽ kỹ thuật. Tổng quan kinh nghiệm xây dựng bài giảng e-learning tại một số trường đại học như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Kết quả nghiên cứu thực trạng đã phác họa bức tranh tổng quát về xây dựng bài giảng e-learning tại Khoa Cơ khí - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Kết quả cho thấy, hầu hết người dạy có quan niệm đúng về bài giảng e-learning, tuy nhiên, việc thiết kế bài giảng e-learning chỉ ở mức độ đơn giản và chưa thực sự hài lòng về hiệu quả của bài giảng đang sử dụng.
Với cơ sở lí luận và thực trạng đó, đề tài đã xây dựng bài giảng e-learning theo 04 chủ đề gồm tài liệu dạy, tài liệu học cho học phần Vẽ kỹ thuật; hệ thống bài hướng dẫn, bài tập tương tác; tạo diễn đàn học tập. Kết quả thực nghiệm sư phạm cho thấy những tác động tích cực đến thái độ học tập, điểm kiểm tra thành phần và kết quả thi cuối học kì của người học. Nhóm tác giả cũng đưa ra một số khuyến nghị rất thực tiễn đối với Lãnh đạo Nhà trường, với giảng viên và sinh viên.
Cả 2 công trình nghiên cứu của 2 nhóm tác giả đều được Hội đồng nghiệm thu có ý nghĩa lý luận, thực tiễn; thống nhất nghiệm thu và đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện, phát triển hơn nữa để ứng dụng trong thực tiễn.
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội