Nhiều cơ hội trúng tuyển Đại học Công nghiệp Hà Nội cho thí sinh đạt từ 16 điểm
Ngày 17/7, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội công bố điểm điều kiện đăng ký xét tuyển năm 2019, các ngành có thế mạnh truyền thống của Nhà trường có điểm điều kiện tăng từ 1 - 2 điểm so với năm 2018. Đặc biệt 3 ngành đào tạo liên quan đến một số lĩnh vực trụ cột của Cách mạng công nghiệp 4.0 là Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ kỹ thuật điều khiển tự động hóa nhận được đăng ký của đông đảo thí sinh có mức điểm sàn tới 20 điểm.
Với các thí sinh đạt từ 16-18 điểm dự kiến sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển nhóm ngành Hóa gồm: Công nghệ kỹ thuật hóa học (mã 7510401), Công nghệ kỹ thuật môi trường (mã 7510406) khi những ngành này chưa nhận được sự quan tâm của thí sinh. Mặc dù trong xu thế phát triển công nghiệp hóa hiện đại hóa, công nghệ kỹ thuật hóa học, môi trường ngày càng giữ vai trò quan trọng, trở thành vị trí không thể thiếu trong lĩnh vực sản xuất như: sản xuất các mặt hàng tiêu dùng (cao su, nhựa, sơn, mực in, giấy, mỹ phẩm, dược phẩm...), nông nghiệp (thức ăn gia súc, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón), sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp dệt – da, công nghiệp điện hóa (pin, chống ăn mòn, mạ điện, bảo vệ kim loại..), công nghiệp điện lực – nhiên liệu – năng lượng (khai khoáng, khai thác và chế biến dầu mỏ, nhiên liệu sinh học, pin, acquy)… Thực tế khảo sát trong các năm vừa qua cho thấy trên 90% sinh viên nhóm ngành Hóa học của Nhà trường có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp. Một câu hỏi thường được phụ huynh và thí sinh đặt ra là “Học Hóa và làm việc trong ngành Hóa có độc hại không?”, câu trả lời là hiện nay các công ty lớn đều có tiêu chuẩn an toàn lao động rất cao nên các bạn sẽ không cần lo sợ về việc gặp nguy hiểm khi làm việc trong lĩnh vực Hóa học.
Một lựa chọn khác cho các bạn sinh viên có điểm 16 - 18 là 02 ngành mới mở có nhu cầu rất cao của xã hội hiện nay là Kỹ thuật hệ thống công nghiệp (mã 7520118) và Công nghệ vật liệu dệt may (mã 7540203).
Kỹ thuật hệ thống công nghiệp là ngành kỹ thuật lâu đời và phổ biến tại các nước phát triển trên thế giới và hiện đang có nhu cầu nhân lực lớn tại Việt Nam. Ngành Kỹ thuật hệ thống công nghiệp đào tạo những kiến thức và kỹ năng để vận hành hiệu quả hoạt động sản xuất, dịch vụ, dự án, chất lượng, cung ứng, tồn kho - vật tư. Sinh viên ra trường có thể làm việc ở nhiều vị trí khác nhau như: quản đốc phân xưởng, các giám đốc quản lý sản xuất, các kỹ sư kế hoạch, điều hành nhà máy, công ty. Hiện nay, Việt Nam đang dần thay thế Trung Quốc trở thành căn cứ sản xuất mới của thế giới, nhiều tập đoàn lớn đang có xu hướng chuyển công xưởng sang Việt Nam, do đó nhu cầu về kỹ sư Kỹ thuật hệ thống công nghiệp đang và sẽ tăng mạnh trong những năm tới đây tạo ra cơ hội việc làm rất tốt cho những sinh viên học ngành này.
Ngành Công nghệ Vật liệu dệt, may là một trong những ngành chủ đạo của công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng liên quan đến sản xuất sợi, vải, các phụ liệu cho sản phẩm dệt may. Theo thống kê ngành Dệt May đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 trong cả nước với trên 8000 doanh nghiệp, 3 triệu lao động, nhu cầu nguồn nhân lực bổ sung mỗi năm là khoảng 2300 cử nhân, kỹ sư công nghệ, thiết kế. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội hiện là cơ sở duy nhất đào tạo ngành này ở bậc Đại học nên với nhu cầu nhân lực như trên và việc Việt Nam gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do thì tương lai việc làm của sinh viên ngành này rất rộng mở.
Thông tin chi tiết một số ngành điểm chuẩn dự kiến từ 16 - 18:
Mã | Tên ngành | Chỉ tiêu | Tổ hợp XT | Điểm chuẩn | Điểm ĐK xét tuyển 2019 | |
2017 | 2018 | |||||
7510401 | 140 | A00, B00, D07 | 17 | 16.1 | 16 | |
7510406 | 50 | A00, B00, D07 | 17 | 16 | 16 | |
7540203 | 40 | A00, A01 | Mở năm 2019 | 16 | ||
7520118 | 40 | A00, A01 | 16 |
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội