TS. Nguyễn Thị Hiên với công trình nghiên cứu “Mô hình trơn cho rơ le điều khiển và ứng dụng của mô hình”
Sáng ngày 27/9, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức nghiệm thu đề tài NCKH cấp trường “Mô hình trơn cho rơ le điều khiển và ứng dụng của mô hình” do TS. Nguyễn Thị Hiên chủ nhiệm đề tài. PGS.TS Phạm Văn Bổng-Phó Hiệu trưởng chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
Trong đề tài nghiên cứu, tác giả xây dựng một mô hình giải tích mới gọi là "mô hình trơn" trong sự so sánh với các mô hình cổ điển. Mô hình mới này có độ chính xác kiểm soát được bởi một thông số và có thể sử dụng để mô phỏng nghiệm của các hệ thống điện cơ chứa rơ le điều khiển. Thông số này có ý nghĩa quan trọng cho mô hình trơn, vì dùng nó để điều khiển độ sai lệch giữa các nghiệm của mô hình trơn và mô hình cổ điển. Sau đó, làm rõ tính ưu việt của mô hình trơn khi kết hợp với phần mềm ứng dụng hiện đại như Mathematica, matlab, Maple để phân tính hoạt động của các hệ thống điện cơ gắn rơ le điều khiển.
TS. Nguyễn Thị Hiên cùng nhóm nghiên cứu trình bày đề tài NCKH cấp trường “Mô hình trơn cho rơ le điều khiển và ứng dụng của mô hình”
Đề tài nghiên cứu được triển khai theo 04 chương:
Chương 1: Các mô hình cổ điển cho rơ le điều khiển
Chương 2: Xây dựng mô hình trơn cho rơ le điều khiển
Chương 3: Ví dụ minh họa cho việc ứng dụng của mô hình trơn cho rơ le điều khiển
Chương 4: Kết luận
Đề tài đã chỉ ra 02 tính ưu việt của mô hình rơ le trơn:
Thứ nhất, mô hình rơ le dạng tường minh của Krassnosel’skii – Pokrovskii đưa ra không phải là vận tốc sự thay đổi hàm nguồn ra mà là giá trị của hàm này tại thời điểm xét. Bởi vậy, mô hình này phải sử dụng sự thay đổi trước thời điểm đó của cả nguồn vào và cả nguồn ra. Ở mô hình rơ le dạng trơn xác định được vận tốc thay đổi nguồn ra tại thời điểm nào đó thông qua giá trị nguồn vào và nguồn ra tại chính thời điểm đó.
PGS.TS. Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài
Thứ hai, mô hình rơ le dạng nửa tường minh của Sadovskii – Priadko về bản chất cũng sử dụng phương trình vi phân, nhưng không phải là phương trình vi phân thường, nên sẽ rất khó khăn nếu muốn phân tích về số các hệ có trễ, bởi tồn tại những chương trình ứng dụng phần lớn phù hợp để phân tích các hệ được biểu diễn bằng phương trình vi phân thường. Trong sự so sánh với hai mô hình rơ le cổ điển thì mô hình rơ le trơn có tính ưu việt hơn hẳn.
Toàn cảnh Hội đồng nghiệm thu đề tài NCKH cấp trường do TS. Nguyễn Thị Hiên làm chủ nhiệm
Đề tài nghiên cứu về mô hình trơn cho rơ le có trễ. Mô hình trơn có độ chính xác kiểm soát được bởi một tham số K. Khi tham số này đủ lớn thì gần như không có sự sai khác giữa các các mô hình cổ điển và mô hình trơn được nghiên cứu trong đề tài. Hơn nữa, mô hình trơn lại có tính thực tiễn và ứng dụng cao vì dùng mô hình này có thể biểu diễn được dáng điệu nghiệm cho nhiều hệ chứa rơ le có trễ.
Công trình nghiên cứu được Hội đồng nghiệp thu đánh giá có ý nghĩa khoa học, thực tiễn cao.
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội