Đại học Công nghiệp Hà Nội chuyển giao chương trình đào tạo tiếng Anh nghề nghiệp cho 34 trường đại học, cao đẳng
Ngày 20/12/2019, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tập huấn và chuyển giao chương trình đào tạo tiếng Anh nghề nghiệp và ngân hàng đề thi tiếng Anh theo khung năng lực 6 bậc của Việt Nam cho 34 trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ Công Thương.
Hội nghị có sự tham dự của ông Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương; đại diện Đại sứ quán Mỹ, Hội đồng Anh; hơn 100 đại biểu là lãnh đạo, giảng viên của 34 trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ Công Thương. Về phía trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có sự hiện diện của PGS.TS. Trần Đức Quý - Hiệu trưởng, TS. Bùi Thị Ngân - Phó Hiệu trưởng cùng hơn 100 cán bộ, giảng viên khoa Ngoại ngữ.
Toàn cảnh Hội nghị
Hội nghị diễn ra với 01 phiên toàn thể và 02 lớp tập huấn song song. Tại Hội nghị, chuyên đề “Đào tạo tiếng Anh theo ngành nghề - Giải pháp nâng tầm kỹ năng lao động trong kỷ nguyên hội nhập” được đại diện Bộ Công Thương trao đổi với toàn thể các đại biểu tham dự. Theo ông Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ TCCB, Bộ Công Thương, Hội nghị được tổ chức với mục tiêu đổi mới, tổ chức khoa học, hệ thống, hiệu quả việc dạy và học tiếng Anh trong các trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ Công Thương theo hướng tiếp cận chuẩn ngoại ngữ đầu ra và ngành nghề đào tạo. Từ đó chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Ông Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị
Các chủ đề được tập huấn tại Hội nghị gồm: Sử dụng chương trình đào tạo tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp cho 07 nhóm ngành nghề gồm: Thương mại, Điện - Điện tử, Du lịch - Khách sạn, May - Thiết kế Thời trang, Cơ khí, Công nghệ Thông tin, Hóa - Môi trường; và tập huấn sử dụng ngân hàng câu hỏi bậc 2 và bậc 3 - 5 khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam.
PGS.TS. Trần Đức Quý - Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, PGS.TS. Trần Đức Quý - Hiệu trưởng nhà trường phát biểu: đầu năm 2019, Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ 2020 và Bộ Công Thương đã khảo sát, kiểm tra và đánh giá cao đề án “Ứng dụng phương pháp học kết hợp trong đào tạo tiếng Anh cho sinh viên hệ đại học, cao đẳng” thực hiện tại Đại học Công nghiệp Hà Nội. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội sẵn sàng chuyển giao chương trình đào tạo tiếng Anh nghề nghiệp cho các trường cũng như chia sẻ kinh nghiệm cách thức quản lý, vận hành chương trình để đạt được kết quả cao. Thầy Hiệu trưởng cho biết năm 2018, những khóa sinh viên đầu tiên của đề án ra trường và được các doanh nghiệp lớn như FLC, Sun Group đánh giá cao về năng lực ngoại ngữ; gần 500 sinh viên khoa Du lịch đã tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Nhật khi thực tập tại Nhật Bản.
TS. Bùi Thị Ngân - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ tại Hội nghị
TS. Bùi Thị Ngân - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: qua nghiên cứu và phân tích những khó khăn trong việc đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã xây dựng đề án “Ứng dụng phương pháp học kết hợp trong đào tạo tiếng Anh cho sinh viên hệ đại học, cao đẳng” từ năm 2015. Qua 04 năm thực hiện, nhà trường đã thu được một số kết quả: 92% giảng viên đã đạt chuẩn, cận chuẩn về năng lực ngoại ngữ; phương pháp giảng dạy phù hợp với xu hướng hiện đại và thực tiễn (50% thời gian sinh viên học online + 50% thời gian giảng viên giảng dạy kỹ năng trên lớp); khối lượng tiết giảng giảm khoảng 600 tiết/năm/giảng viên; Sinh viên tự tin, hứng thú hơn với việc học ngoại ngữ thông qua việc tham gia các bài tập nhóm, thuyết trình, hoạt động ngoại khóa hay CLB tiếng…
TS. Hoàng Ngọc Tuệ - Trưởng khoa Ngoại ngữ trao đổi kinh nghiệm đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên tại Hội nghị
Trong phần trao đổi kinh nghiệm đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên đại học, cao đẳng không chuyên ngữ, TS.Hoàng Ngọc Tuệ - Trưởng khoa Ngoại ngữ cho biết để đạt được những kết quả như trên, nhà trường đã tìm ra được các giải pháp thiết thực giúp tháo gỡ những khó khăn trong quá trình đào tạo như:
1. Triệt để ứng dụng CNTT vào quản lý, đào tạo và khảo thí ngoại ngữ;
2. Dạy ngoại ngữ theo định hướng nghề nghiệp (EOP);
3. Xây dựng chuẩn đầu ra về ngoại ngữ sát với yêu cầu của thị trường lao động đối với mỗi nhóm ngành - nghề;
4. Đưa chuẩn đầu ra làm thước đo để xây dựng chương trình - đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá;
5. Xây dựng hệ thống tài liệu giảng dạy, học tập và ngân hàng đề thi cho ngoại ngữ định hướng nghề nghiệp, tạo cơ sở dữ liệu dùng chung;
6. Minh bạch và chuẩn hóa quy trình khảo thí quá trình và khảo thí đầu ra;
7. Bồi dưỡng đội ngũ giảng viên ngoại ngữ với nhiều hình thức, tăng cường tư vấn chuyên gia quốc tế và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về dạy và học ngoại ngữ.
Bộ Công Thương, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cùng 34 trường ký chuyển giao chương trình đào tạo tiếng Anh nghề nghiệp và ngân hàng đề thi tiếng Anh theo khung năng lực 6 bậc của Việt Nam
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Công Thương, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cùng 34 trường đã ký chuyển giao với 02 nội dung: (1) Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội sẽ tập huấn và bàn giao chương trình giảng dạy theo chuẩn đầu ra gồm 01 khung chương trình đào tạo và 06 chương trình chi tiết tiếng Anh của 07 nhóm ngành, nghề đào tạo: Thương mại, Điện - Điện tử, Du lịch - Khách sạn, May - Thiết kế Thời trang, Cơ khí, Công nghệ Thông tin, Hóa - Môi trường cho 34 trường. (2) Các bên thực hiện bàn giao và tiếp nhận bộ ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực bậc 2 và bậc 3 - 5 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam (gồm phần mềm thi trực tuyến và ngân hàng dữ liệu đề thi từ Đại học Công nghiệp Hà Nội).
Các trường tham dự được giảng viên khoa Ngoại ngữ tư vấn sử dụng chương trình đào tạo tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp cho 07 nhóm ngành nghề
Kết thúc Hội nghị, các trường tham quan một số đơn vị tại Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Đoàn tham quan Trung tâm Đảm bảo chất lượng, nghe giới thiệu về mô hình Đại học điện tử được xây dựng và đang áp dụng thành công tại ĐHCNHN
Đoàn tham quan Trung tâm Khảo thí
Đoàn chụp ảnh lưu niệm
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội