Các trường đào tạo thuộc Bộ Công Thương góp sức đẩy lùi Covid-19
TCCT - Nghiên cứu sản xuất máy hỗ trợ thở, buồng khử khuẩn, thiết bị sát khuẩn tự động, phát gạo miễn phí, chuyển giao giảng đường, ký túc xá làm trung tâm cách ly,... các trường thuộc Bộ Công Thương đang quyết tâm cùng cả nước đẩy lùi dịch Covid-19 với nỗ lực cao nhất.
Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng trao tặng thiết bị phun sát khuẩn tay tự động cho Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan chức năng, ngày 30/3/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Công văn số 2265/BCT-TCCB gửi các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ về nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch.
Ngày 31/3, Bộ tiếp tục gửi Công văn số 2361/BCT-TCCB gửi các Cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ về khẩn trương, nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và đã phổ biến, quán triệt tới các trường.
Qua đó, 100% các trường dừng và lùi thời gian đào tạo theo phương pháp đào tạo truyền thống đến hết ngày 15/4/2020, một số trường tiếp tục đào tạo theo phương pháp trực tuyến đối với một số môn học phù hợp.
Đồng thời, các trường cũng xây dựng kế hoạch ứng trực nhà trường từ 1/4 đến 5/4/2020, kế hoạch ứng phó khi phát hiện ca nhiễm bệnh Covid-19 tại trường và tại nơi cư trú.
Đến hôm nay (14/4), tất cả các trường thuộc Bộ Công Thương đều không có cán bộ nhân viên, học sinh sinh viên nhiễm Covid-19. Tuy nhiên có một số tiếp xúc với người tiếp xúc với người bị nhiễm dịch Covid-19 (F2, F3), hoặc có biểu hiện về sức khỏe, các trường cho nghỉ, cách ly tại nhà và thông báo với địa phương nơi cư trú.
Tích cực tham gia vào cuộc chiến chống dịch, trong lúc ngành y tế đang cần thêm nhiều máy thở, Trường Đại học Điện lực đã vào cuộc sản xuất máy hỗ trợ thở cho bệnh nhân Covid-19 và các bệnh nhân khác cần hỗ trợ thở. Được biết, đây là sản phẩm của nhà trường với mục đích vì cộng đồng, phi lợi nhuận.
Loại máy hỗ trợ thở không xâm nhập này được sản xuất dựa theo thiết kế mẫu của các cơ sở nghiên cứu và các nhà khoa học trên thế giới.
Máy có các tính năng cơ bản gồm: đặt được các thông số lưu lượng khí, số nhịp thở/phút, chu trình thở và tỉ số inhale/exhale... Ngoài ra, máy có thể mở rộng thêm một số tính năng an toàn khác nếu cần thiết như cảnh báo áp suất.
Máy hỗ trợ thở do Đại học Điện lực Hà Nội sản xuất
Một cơ sở đào tạo khác thuộc Bộ Công Thương là Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng cũng nghiên cứu sản xuất buồng khử khuẩn toàn thân, sử dụng dung dịch Anolyte - Muối Ion bằng công nghệ phun siêu âm không gây ướt quần áo, cùng với các buồng đo thân nhiệt không chạm và máy phun dung dịch sát khuẩn tự động để phục vụ nhu cầu phòng chống dịch Covid-19.
Nhà trường đã trao tặng 50 máy cho các đơn vị trong Tỉnh Quảng Ninh và đã làm hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp và giải pháp với Sở Khoa học Công nghệ Tỉnh Quảng Ninh.
Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng trao tặng thiết bị phun sát khuẩn tay tự động cho UBND Thành phố Uông Bí
Ngoài ra, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế vừa qua đã tổ chức phát 7 tấn gạo miễn phí cho người nghèo tại địa phương.
Trường Cao đẳng Công Thương Miền Trung cũng triển khai thiết kế, lắp đặt miễn phí 2 máy ATM cấp gạo tự động cho người nghèo theo đặt hàng của UBND Tỉnh Phú Yên.
Trước đó, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng đã tự sản xuất dung dịch rửa tay khô sát khuẩn, huy động cán bộ nhân viên và sinh viên Khoa Công nghệ may & Thiết kế thời trang tham gia sản xuất khẩu trang với công suất 6.000 chiếc/ngày để phát miễn phí cho cán bộ, giảng viên và 30.000 học viên, sinh viên.
Sản phẩm nước rửa tay do Đại học Công nghiệp Hà Nội tự sản xuất
Bộ Công Thương cho biết thêm, các trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (cơ sở Hà Nội), Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở tại TP.HCM và Trà Vinh), Cao đẳng Công Thương Thái Nguyên (cơ sở Hà Tĩnh), Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp (cơ sở 2), Cao đẳng Công nghiệp Nam Định và Cao đẳng Cơ khí Luyện kim (tại thị xã Sông Công, Thái Nguyên) thời gian qua cũng tích cực phối hợp với địa phương tạm thời chuyển giao giảng đường, ký túc xá để làm Trung tâm cách ly dịch Covid-19.
Bộ Công Thương hiện có 34 Trường trực thuộc, gồm 9 Trường Đại học, 24 Trường Cao đẳng và 1 Trường Đào tạo Bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương.
Nguồn: Tạp chí Công Thương
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội