Ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường - phát triển công nghiệp xanh
Sự ra đời của ngành Công nghệ Môi trường là một hệ quả tất yếu của Công nghiệp hiện đại. Công nghệ Môi trường hình thành và phát triển trên thế giới vào nửa cuối của thế kỷ 20, tập trung chủ yếu tại các nước tiên tiến như Mỹ, Canada, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Đến nay đã trở thành một ngành Công nghiệp đầy tiềm lực ở hầu hết các quốc gia. Khi mới hình thành, Công nghệ Môi trường mang nhiều ý nghĩa công ích xã hội, đến nay nó đã trở thành một ngành công nghiệp tạo ra nhiều giá trị gia tăng từ chính việc giải quyết các vấn đề môi trường, ngày càng thể hiện rõ tính sinh lợi trong các hoạt động của nó, đóng góp thiết thực và hiệu quả cho việc phát triển kinh tế bền vững.
Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã khẳng định: Công nghiệp môi trường (CNMT) là một ngành kinh tế cung cấp các công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Như vậy, ngành CNMT được nhìn nhận như các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ trong 3 lĩnh vực chính: Thiết bị CNMT; dịch vụ CNMT (xử lý chất thải, thu gom chất thải, quan trắc, phân tích, đánh giá tác động môi trường…); sử dụng bền vững tài nguyên, phục hồi môi trường. Ngày nay, Công nghệ Môi trường không còn được xem như việc “xử lý cuối đường ống” - nghĩa là đặt vào sự “ô nhiễm đã rồi”, mà đã bắt đầu chú trọng về sự ngăn ngừa ô nhiễm tại nguồn, xem chất thải như nguồn tài nguyên quý giá để tái sử dụng cho việc tạo ra các giá trị mới. Việt Nam hiện có khoảng hơn 1000 doanh nghiệp hoạt động trong cả 3 lĩnh vực, thu hút khoảng hơn 100.000 người lao động tham gia. Theo dự báo nhu cầu phát triển ngành CNMT là rất lớn.
Mô hình hệ thống xử lý nước thải (Ảnh: Internet)
Ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường, Đại học Công nghiệp Hà Nội đào tạo những kỹ sư có khả năng làm việc trong các lĩnh vực công nghệ môi trường như thiết kế, vận hành, bảo trì các hệ thống xử lý nước thải, khí thải và chất thải rắn; Quan trắc môi trường như Lập kế hoạch, lấy mẫu, phân tích và đánh giá chất lượng môi trường; Quản lý môi trường như lập hô sơ báo cáo ĐTM, kế hoạch bảo vệ môi trường, tư vấn dự án sản xuất sạch hơn... Với thế mạnh hơn 120 năm lịch sử, đào tạo theo định hướng ứng dụng, hướng tới đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và lợi ích của người học, những năm qua sinh viên tốt nghiệp của Nhà trường luôn được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tin tưởng lựa chọn.
Tại khoa Công nghệ Hóa, Đại học Công nghiệp Hà Nội, sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường được học tập theo chương trình đào tạo CDIO là chương trình đào tạo tiên tiến theo định hướng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và các bên liên quan trong việc nâng cao khả năng của sinh viên trong việc tiếp thu kiến thức cơ bản đồng thời đẩy mạnh việc học các kỹ năng cá nhân và giao tiếp, kỹ năng kiến tạo sản phẩm. (CDIO là một đề xướng giáo dục trong các trường đại học khối các ngành kỹ thuật trên toàn thế giới, bắt nguồn từ Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ).
Sinh viên khoa CN Hóa thực hành trong phòng thí nghiệm với nhiều trang thiết bị hiện đại
Sinh viên sẽ được học tập trong môi trường chuyên nghiệp với đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, có nhiều kinh nghiệp thực tế, nhiệt tình, thân thiện. Đặc biệt, đội ngũ giảng viên ngành Công nghệ kỹ thuật Môi trường có nhiều giảng viên là Tiến sỹ được đào tạo ở các nước có nền Công nghiệp Môi trường tiên tiến như Đức, Nga, Hàn Quốc…
Sinh viên sẽ học kiến thức cơ bản và kiến thức chuyên ngành với hệ thống phòng thực hành thí nghiệm hiện đại và chuyên nghiệp. Không những vậy, với chương trình đào tạo theo định hướng CDIO, sinh viên được phát triển các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng cá nhân, kỹ năng giao tiếp, các kỹ năng kiến tạo sản phẩm, xây dựng quy trình và hệ thống. Đây là những kỹ năng vô cùng quan trọng trong công việc sau này của những kỹ sư, cử nhân khoa học làm việc trong ngành Môi trường, đặc biệt trong các tổ chức Quốc tế, tổ chức Phi chính phủ hay trong các Dự án đa quốc gia về môi trường.
Sinh viên ngành CNKT Môi trường tham gia kiến tập tại Công ty Gang thép Thái Nguyên
Sinh viên được thực tập tại các doanh nghiệp lớn, có thế mạnh trong lĩnh vực môi trường như: Công ty Cổ phần Tư vấn và Thẩm định Môi trường Vinacontrol; Công ty Cổ phần môi trường Asenco; Công ty TNHH Ecoba Công nghệ môi trường; Công ty TNHH Môi trường & Công nghệ xanh Việt…; các viện nghiên cứu lớn như Viện Công nghệ Môi trường; Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ (Viện Hàn Lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam); Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường; Trung tâm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật môi trường, Viện nghiên cứu Môi trường nông ngiệp nông thôn…
Sinh viên có cơ hội nhận nhiều học bổng và hỗ trợ học tập như: học bổng theo chương trình liên kết đào tạo của công ty NISSAN, học bổng triển vọng của KOVA, hay Nitori của Nhật Bản, và các học bổng quốc tế khác như Bridgeston, Hyundai Alumina Vina, Honda…
Sinh viên được tham gia nghiên cứu khoa học để thỏa mãn niềm say mê khoa học đồng thời từng bước tiếp cận khoa học kỹ thuật, vận dụng kiến thức phục vụ đời sống. Trong những năm qua sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật Môi trường đã đạt được nhiều thành tích cao; những sản phẩm khoa học được đánh giá cao trong hoạt động nghiên cứu khoa học cấp Trường; có những công trình nghiên cứu khoa học được giải thưởng cấp Bộ.
Sinh viên khoa Công nghệ Hóa đạt giải cao tại cuộc thi “Thử thách lập nghiệp 2019”
Ngoài giờ lên lớp sinh viên còn được đắm mình trong không gian xanh, môi trường sạch và có thể tham gia các câu lạc bộ học thuật, khoa học, nghệ thuật, thể thao để thư giãn và bổ sung năng lượng tích cực. Những năm qua sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật Môi trường luôn đi đầu trong hoạt động sinh viên tình nguyện vì môi trường xanh sạch đẹp của Nhà trường.
Các kỹ sư, cử nhân khoa học Công nghệ môi trường sau khi tốt nghiệp có khả năng thiết kế, vận hành và quản lý hệ thống xử lý chất thải rắn, xử lý nước, xử lý khí; phân tích, đánh giá, dự báo môi trường, đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực về môi trường, hoặc có thể làm chuyên viên, cán bộ quản lý nhà nước tại các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường ở trung ương và cũng như các địa phương.
Ngoài giờ lên lớp, sinh viên tham gia hoạt động thể thao
Sau khi ra trường, các kỹ sư, cử nhân khoa học Công nghệ kỹ thuật môi trường làm việc trong các lĩnh vực xử lý chất thải rắn, xử lý nước, xử lý khí, quản lý môi trường và biến đổi khí hậu. Họ có thể đảm nhận công việc ở những vị trí:
- Thiết kế và vận hành hệ thống xử lý chất thải.
- Quan trắc và phân tích các chỉ tiêu môi trường.
- Tư vấn và lập các báo cáo về Bảo vệ môi trường như ĐTM, CM, CDM…
- Xây dựng các quy trình Giám sát An toàn - Sức khỏe - Môi trường (HSE), ISO, OHSAS…
Với thế mạnh về đào tạo ứng dụng, ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã và luôn là niềm tin tưởng của các thế hệ học sinh, sinh viên và doanh nghiệp. Đến với ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chắc chắn là một lựa chọn đúng đắn cho sự phát triển bền vững.
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội