Giải bài toán chuyển đổi số tại các trường đại học, cao đẳng
Ngày 05/01/2023, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phối hợp với Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức tọa đàm “Chuyển đổi số tại các trường đại học, cao đẳng: Thực trạng và giải pháp” dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Toàn cảnh tọa đàm “Chuyển đổi số tại các trường đại học, cao đẳng: Thực trạng và giải pháp”
Tham dự tọa đàm có: PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; TS.Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phụ trách chuyên môn; Trưởng Ban chuyên môn của Hiệp hội; đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tuyên giáo TW, các trường đại học, cao đẳng, các doanh nghiệp.
Về phía Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có PGS.TS.Trần Đức Quý, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường; PGS.TS.Lê Hồng Quân, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS.Phạm Văn Bổng, Phó Hiệu trưởng; TS.Nguyễn Văn Thiện, Phó Hiệu trưởng; TS.Kiều Xuân Thực, Phó Hiệu trưởng, các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên nhà trường.
PGS.TS.Trần Đức Qúy, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phát biểu tại tọa đàm
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS.Trần Đức Qúy, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đặc biệt, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách mạnh mẽ về chuyển đối số đối với giáo dục và đào tạo.
Thực tế, chuyển đổi số là cơ hội để các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam và trên toàn thế giới phát triển nhanh hơn, minh bạch hơn và hiệu quả hơn.
Trong 03 năm qua, dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu làm đình trệ mọi hoạt động kinh tế - xã hội, sinh viên không thể đến trường thì chuyển đổi số ngày càng khẳng định thêm ý nghĩa và sự cần thiết. Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, cùng với việc sử dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI),… đã được triển khai để giảng dạy, học tập và quản lý đào tạo mang lại giá trị tích cực cho nhà trường.
Đại học Công nghiệp Hà Nội đang bước những bước vững chắc, nhanh chóng đóng góp vào thành tựu của công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục. Trong 10 năm qua, Đại học Công nghiệp Hà Nội đã triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong trong giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, hoàn thiện và ứng dụng đại học điện tử trong quản trị toàn diện nhà trường, hướng tới xây dựng đại học thông minh. Hệ thống đại học điện tử của Trường đã vinh dự nhận 3 giải thưởng lớn: Nhân tài Đất Việt năm 2012, Sao khuê năm 2016 và Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Vifotec) năm 2018.
Thầy Hiệu trưởng cho rằng, người đứng đầu cơ sở giáo dục cần có quyết tâm cao, tạo được sự đồng thuận trong tập thể đội ngũ cán bộ quản lý, viên chức, giảng viên, sinh viên thay đổi nhận thức, tư duy. Điều này đóng góp vai trò then chốt đối với sự thành công trong quá trình chuyển đổi số.
Đặc biệt là thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khó khăn, vướng mắc được coi là “điểm nghẽn” trong cơ chế chính sách, nội tại của tổ chức tác động, làm cho chất lượng, hiệu quả của công tác chuyển đổi số chưa đạt yêu cầu đề ra.
GS.TS.Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phát biểu trực tuyến tại Tọa đàm
GS.TS.Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam hy vọng, Tọa đàm là cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau giữa các trường đại học, cao đẳng trong chuyển đổi số.
Tọa đàm đã được nghe báo cáo của 05 tham luận và một số ý kiến đóng góp với nội dung rất sâu sắc, cụ thể, sát thực của các chuyên gia, nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm trong công tác chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục.
Diễn giả Hoàng Anh, Giám đốc trung tâm đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trình bày tham luận “Hệ thống Đại học điện tử, giải pháp chuyển đổi số tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội”
Diễn giả TS.Nguyễn Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng, Trường CNTT&TT, Đại học Bách Khoa Hà Nội trình bày tham luận “eHUST – Hệ thống quản trị đại học thúc đẩy chuyển đổi số tại Đại học Bách khoa Hà Nội”
Diễn giả PGS.TS.Lê Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐHBK, ĐHQG TP.HCM trình bày tham luận “Chuyển đổi số trong quản trị đại học tại Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh”
Diễn giả TS.Ngô Quốc Dũng, Đại diện tổ chuyển đổi số của Học viện Bưu chính Viễn thông trình bày tham luận “Chuyển đổi số tại Học viện Bưu chính viễn thông: Mô hình, một số kết quả và bài học”
Diễn giả TS.Hồ Thị Hạnh Tiên, Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân và Ông Nguyễn Tiến Đông Đại diện dự án trình bày tham luận “Liên doanh chuyển đổi số mở rộng hệ sinh thái chuyển đổi số bền vững cho giáo dục đại học Việt Nam”
Các tham luận soi chiếu dưới nhiều góc độ, từ nhiều cách tiếp cận, đã mở ra bức tranh tổng quan, đánh giá đúng thực tiễn các mặt công tác chuyển đổi số tại các trường đại học, cao đẳng. Đặc biệt, nhấn mạnh chuyển đổi số là công cụ của quản trị của một cơ sở giáo dục đại học tiên tiến, là giải pháp đột phá trong cải cách hành chính.
Các trường đã cùng nhau trao đổi bài học kinh nghiệm về quá trình chuyển đổi số, từ số hóa phân hệ quản trị, điều hành; đến tích hợp các phân hệ, thay đổi tư duy, nhận thức, tối ưu hóa quy trình và cuối cùng là hệ thống chuyển đổi toàn diện.
Trên thực tế, nhiều lĩnh vực đã được tin học hoá, tuy nhiên đang sử dụng một cách phân tán, tách biệt nhau; quá trình kết nối phải thực hiện thủ công; không có sự kết nối về dữ liệu dẫn đến tình trạng dư thừa; không có chuẩn chung về dữ liệu nên khó cho việc tổng hợp, phân tích, báo cáo.
Không chỉ dừng lại ở việc chuyển đổi số mà các trường đại học, cao đẳng trong nước cần xây dựng hệ sinh thái liên kết chuyển đổi số bền vững cho hệ thống giáo dục đại học để rút ngắn thời gian và giảm chi phí đầu tư cho hạ tầng công nghệ số, từ đó cùng nhau phát triển. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung sẽ có được cái nhìn tổng thể để xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách phủ hợp với thực tiễn chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.
Một số tham luận đã có những giải pháp thiết thực trong ngắn hạn cũng như dài hạn của chuyển đổi số đối với nền giáo dục nói chung và các trường đại học, cao đẳng nói riêng. Trong đó, tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn” về chính sách, pháp luật, quản lý, con người và công nghệ kỹ thuật để thúc đẩy chuyển đổi số trong thời gian tới.
Đại biểu tham dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm
Chuyển đổi số tại các trường đại học, cao đẳng cần được xem là một hành trình, chứ không phải là đích đến, từ đó tìm ra các giải pháp mang tính chiến lược trong giảng dạy, học tập và quản lý đào tạo. Các kết quả nghiên cứu được công bố trong tọa đàm đã có những đóng góp nhất định, rất đáng ghi nhận sẽ đóng góp giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng chuyển đổi số cho hệ thống giáo dục nước nhà.
Cũng trong dịp này, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Giáo dục đại học, cao đẳng Việt Nam cho PGS.TS.Trần Đức Qúy, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, ghi nhận công lao của Thầy đối với sự nghiệp giáo dục
Đoàn tham quan Trung tâm Đảm bảo chất lượng - nơi xây dựng triển khai đại học điện tử tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội