Hội thảo kiểm định chất lượng theo chuẩn ABET và AUN thuộc dự án BUILD-IT
Từ ngày 13/3/2023 đến ngày 15/3/2023, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phối hợp với Dự án BUILD-IT tổ chức Hội thảo với sự tham gia của nhiều cán bộ, giảng viên Nhà trường.
Hội thảo với 03 chủ đề “Kỹ thuật đánh giá các kỹ năng mềm”, “Kiểm định ABET và AUN: Xác minh Báo cáo tự đánh giá và minh chứng - Thu thập chứng cứ thông qua phỏng vấn” và “Tư duy thiết kế cho lãnh đạo bậc giáo dục đại học”.
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động thuộc Dự án Thúc đẩy hợp tác Trường Đại học - Doanh nghiệp thông qua Đổi mới và Công nghệ (BUILD-IT) được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và được thực hiện bởi Đại học Bang Arizona (ASU).
Tham dự Hội thảo có chuyên gia là TS.Scott Danielson, Đại học Bang Arizona (ASU) và ông Trần Thái, Giám đốc Chương trình Kiểm định và Đảm bảo Chất lượng tại Văn phòng Đại diện ASU tại Việt Nam.
Hội thảo “Kỹ thuật đánh giá các kỹ năng mềm”
Toàn cảnh Hội thảo "Kỹ thuật đánh giá các kỹ năng mềm"
Hội thảo “Kỹ thuật đánh giá các kỹ năng mềm” cung cấp những kiến thức về thang đo Bloom theo 6 cấp độ tư duy được phân loại từ thấp đến cao gồm ghi nhớ (Remembering), hiểu (Understanding), vận dụng (Applying), phân tích (Analyzing), đánh giá (Evaluating), sáng tạo (Creating) và các công cụ đánh giá chuẩn đầu ra, trong đó nhấn mạnh đến công cụ kiểm tra đánh giá trong lớp học nâng cao (CATs). Phương pháp đánh giá kỹ năng mềm cần phải hài hòa giữa 3 yếu tố: chuẩn đầu ra, phương pháp giảng dạy, công cụ kiểm tra đánh giá. Lấy kết quả học tập và rèn luyện của sinh viên theo tiêu chuẩn AUN-QA làm cơ sở để đề xuất các kiến nghị, giải pháp hữu hiệu nhằm cải tiến các chương trình, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết cho sinh viên theo chu trình PDCA (Plan - Do - Check -Act).
TS.Scott Danielson hướng dẫn giảng viên tham gia Hội thảo
Hội thảo đã giới thiệu và hướng dẫn chi tiết phương thức đánh giá bằng các loại công cụ rubric (phiếu đánh giá) để đo lường mức độ đạt được các kỹ năng mềm của sinh viên như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng học tập tự định hướng và kỹ năng học tập suốt đời.
Trong khuôn khổ của hội thảo, giảng viên được chia thành các nhóm để xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp, đề xuất chiến lược giảng dạy tương thích với chuẩn đầu ra theo cấp độ Bloom và thiết kế các công cụ đánh giá xác định kết quả học tập của sinh viên.
Hội thảo “Kiểm định ABET và AUN: Xác minh Báo cáo tự đánh giá và minh chứng - Thu thập chứng cứ thông qua phỏng vấn”
TS. Scott Danielson trình bày tại Hội thảo
Nội dung thứ nhất của Hội thảo tập trung vào trình bày các kĩ năng được đánh giá viên sử dụng để xác minh thông tin và tài liệu được đề cập trong Báo cáo Tự đánh giá (SSR) trong chuyến tham gia đánh giá tại trường.
Nội dung thứ hai tập trung vào các cuộc phỏng vấn với các cá nhân và các nhóm khác nhau. Với mỗi nhóm đối tượng phỏng vấn khác nhau sẽ có các kỹ thuật phỏng vấn và câu hỏi khác nhau. Các câu hỏi được thiết kế dựa trên một mục tiêu chung là cung cấp minh chứng liên quan tương thích với mỗi tiêu chí.
Các giảng viên tham gia được chia nhóm thực hành dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia
Trong đó, các giảng viên được chia thành các nhóm phỏng vấn khác nhau. Mỗi nhóm sẽ gồm người phỏng vấn và đối tượng phỏng vấn. Với các đối tượng phỏng vấn như lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo khoa, doanh nghiệp, cán bộ hỗ trợ, giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên sẽ được thiết kế bộ câu hỏi riêng, phù hợp với các tiêu chí kiểm định.
Hội thảo “Tư duy thiết kế cho lãnh đạo bậc giáo dục đại học”
Ông Trần Thái trình bày tại Hội thảo
Hội thảo “Tư duy thiết kế cho lãnh đạo bậc giáo dục đại học” khởi động bằng hoạt động thử thách máy bay giấy. Thông qua hoạt động này các giảng viên đã có cái nhìn cơ bản về tư duy thiết kế bằng cách đặt mục tiêu, tìm hiểu nhu cầu của người sử dụng, nguồn lực bỏ ra và kết quả đạt được.
Giảng viên tham gia hoạt động thử thách máy bay giấy
Theo các chuyên gia, tư duy thiết kế là một công cụ hiệu quả, sáng tạo và có mục đích để cải tiến quy trình hoặc thiết kế sản phẩm, ví dụ như chương trình đào tạo. Các giảng viên tham dự được tìm hiểu những khái niệm cơ bản, lợi ích và cách triển khai của tư duy thiết kế. Trong kỷ nguyên VUCA (biến động, bất định, hỗn loạn và mơ hồ), việc áp dụng các nguyên tắc của tư duy thiết kế trong các cơ sở giáo dục bậc đại học sẽ giúp tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề nan giải hoặc kiến tạo những hình thức và mô hình hợp tác mới.
Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Trong thời gian qua, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã có nhiều nỗ lực phối hợp với các đối tác triển khai nhiều hoạt động hội thảo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực và kiến thức chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên trong lĩnh vực đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục cũng như hướng tới mục tiêu nâng cao vị thế giáo dục của Đại học Công nghiệp Hà Nội trên bản đồ các trường đại học danh tiếng trong nước và quốc tế.
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội