Đổi mới giáo dục chính trị tư tưởng bắt nhịp đời sống học đường
GD&TĐ - Với tác động đa chiều của thông tin trên mạng xã hội, giới trẻ dễ nhận thức lệch lạc nếu không được giáo dục, định hướng đầy đủ.
Học sinh Trường THPT Trương Định trong giờ học. Ảnh: TG
Do đó, các nhà trường đã tăng cường hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng, đổi mới phương thức và đa dạng hoạt động giáo dục.
Hành trang cho học sinh
Cùng với nâng cao chất lượng dạy và học, những năm qua, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh được Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) quan tâm thực hiện dưới nhiều hình thức, phương pháp.
Theo thầy Hiệu trưởng Lê Việt Dương, trên cơ sở văn bản hướng dẫn, nhà trường cụ thể hóa thành cách làm: Thực hiện tốt công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; tăng cường kỷ cương, nền nếp, dân chủ trường học, tạo môi trường để học sinh tự rèn luyện, phấn đấu.
Cùng đó, việc giảng dạy môn Giáo dục công dân được chú trọng, nhờ đó chất lượng nâng lên rõ rệt. Đây có thể xem như hành trang vững chắc cho thanh niên thời kỳ mở cửa hội nhập, không để tư tưởng văn hóa xấu, độc xâm nhập.
Giảng dạy môn Lịch sử, cô Lò Thị Kiều Oanh - Trường THPT Trương Định cho rằng, ngoài môn Giáo dục công dân, môn Lịch sử cũng có vai trò quan trọng trong giáo dục đạo đức, lối sống học sinh. Trong giờ học lịch sử, cô lồng ghép những bài học đạo đức, lối sống, giúp học sinh biết ứng xử với thông tin trên mạng xã hội.
Không chỉ quan tâm đến chất lượng các kỳ thi học sinh giỏi, tại Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (Hà Nội), công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống học sinh được đặt lên hàng đầu. Nhà trường luôn treo khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” và lời dạy của Bác Hồ “Có tài mà không có đức là người vô dụng” ở những nơi trang trọng nhất nhằm rèn luyện tư cách và đạo đức học sinh.
Theo cô Hiệu trưởng Trần Thùy Dương, các chủ đề giáo dục đạo đức lối sống thực hiện thường xuyên qua bài học môn Giáo dục công dân, Ngữ văn, Lịch sử. Học sinh được truyền đạt các nội dung về truyền thống cách mạng, dân tộc, lý tưởng, tình yêu thương gia đình, bè bạn, quê hương đất nước. Nhà trường còn kết hợp giáo dục đạo đức, truyền thống thông qua hoạt động ngoại khóa như thăm bảo tàng, di tích lịch sử.
Học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TG
Đẩy mạnh học tập và làm theo Bác
Với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, các trường học đã cụ thể hóa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào đời sống học đường, qua đó tăng cường giáo dục học sinh. Theo cô Đào Thị Thuận - Trường THPT Nguyễn Huệ (Đại Từ, Thái Nguyên), qua bài giảng môn Ngữ văn, những mẩu chuyện, gương sáng của Bác được lồng ghép để học sinh noi theo. Học tập và làm theo Bác là yếu tố quan trọng để giáo dục đạo đức, lý tưởng cách mạng cho học sinh.
Nhằm đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Trường THPT Hoành Bồ (Hoành Bồ, Quảng Ninh) đã cụ thể hóa nội dung học tập gắn với “Một việc tốt” và cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.
Chia sẻ thông tin, cô Nguyễn Thị Định - Hiệu trưởng Trường THPT Hoành Bồ đồng thời cho hay: Từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch chi tiết, lồng ghép, tích hợp giảng dạy trong các môn học. Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa nhằm giáo dục học sinh ý thức học tập và làm theo Bác trong các giờ sinh hoạt dưới cờ thứ Hai hằng tuần, thi kể chuyện về Bác trong giờ sinh hoạt lớp.
Đặc biệt, năm học này nhà trường tổ chức thành công cuộc thi “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Khơi dậy khát vọng xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”, thu hút sự tham gia của đông đảo giáo viên, học sinh toàn trường.
Thông qua các phong trào, cuộc thi góp phần bồi đắp, củng cố niềm tin, tình cảm của cán bộ, đảng viên, giáo viên, học sinh với Bác Hồ; đặc biệt giúp giới trẻ rèn luyện đạo đức, nỗ lực học tập.
Xác định công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên là nhiệm vụ hàng đầu, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Ông Trần Ngọc Khánh - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết: Nhiều năm qua, nhà trường chủ động nắm bắt dư luận trong cộng đồng sinh viên, những vấn đề nóng để kịp thời cung cấp, thông báo tin chính thống, tạo sự ổn định về tư tưởng, tin tưởng của sinh viên đối với nhà trường.
Nhận thấy sự quan trọng của công tác hỗ trợ sinh viên, nhà trường đã thay thế mô hình “Giáo viên chủ nhiệm” bằng “Cố vấn học tập”. Mục đích để hỗ trợ tối đa người học từ học tập, phát triển kỹ năng mềm, tâm lý, sức khỏe, tài chính đến định hướng sự nghiệp.
Đặc biệt, nhà trường tổ chức thành công cuộc thi “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” dưới hình thức sân khấu hóa nhằm giới thiệu mô hình hay, cách làm mới, kinh nghiệm quý trong học tập và làm theo Bác gắn với phong trào thi đua, tấm gương nhà giáo, học sinh, sinh viên tiêu biểu, gương mẫu.
Trần Quang Minh Duy - học sinh lớp 12 Lý 1, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho biết: “Em luôn ý thức bên cạnh nhiệm vụ học tập phải rèn luyện đạo đức, lối sống. Ở trường, chúng em được thầy, cô dạy về cách giao tiếp chuẩn mực với bạn bè, kính trọng thầy cô, ông bà, bố mẹ và tham gia các hoạt động từ thiện của nhà trường”.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội