Trường Cơ khí - Ô tô, Đại học Công nghiệp Hà Nội ươm mầm tài năng khoa học công nghệ từ giáo dục STEM
Là một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam đào tạo theo định hướng công nghệ ứng dụng, Đại học Công nghiệp Hà Nội nỗ lực kết nối, lan toả và khơi dậy tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học cho các bạn trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Phục vụ cộng đồng phát triển giáo dục STEM
Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, việc phát huy và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một xu thế tất yếu, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ mang tính tiên phong và giàu sức sáng tạo. Tại các nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới, giáo dục STEM (Cụm từ viết tắt của các môn Khoa học - Science, Công nghệ - Technology, Kỹ thuật – Engineering và Toán học – Mathematics) đóng vai trò đòn bẩy, là giải pháp trực tiếp nâng cao tri thức, đổi mới tư duy của người trẻ.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của giáo dục, Đại học Công nghiệp Hà Nội thực hiện chương trình đồng hành cùng các trường THPT triển khai giáo dục STEM, tài trợ thiết bị và chuyển giao công nghệ STEM. Qua đó, ươm mầm những hạt giống nghiên cứu khoa học, để các em học sinh thỏa sức sáng tạo, phát triển tối đa tiềm năng của bản thân, phát triển kỹ năng làm việc trong thế giới công nghệ hiện đại ngày nay. Đồng thời, làm tiền đề định hướng cho các em có niềm đam mê, năng lực và xu hướng lựa chọn nghề nghiệp về các ngành công nghệ, kỹ thuật.
PGS.TS.Hoàng Tiến Dũng – Hiệu trưởng Trường Cơ khí – Ô tô (SMAE), Đại học Công nghiệp Hà Nội phát biểu tại chương trình
Theo PGS.TS.Hoàng Tiến Dũng – Hiệu trưởng Trường Cơ khí – Ô tô, Đại học Công nghiệp Hà Nội: Việc dành tặng các sản phẩm STEM do thầy và trò Nhà trường nghiên cứu, thiết kế và chế tạo đã giúp các em học sinh tiếp cận với những sản phẩm khoa học công nghệ từ rất sớm, hoàn thành dự án thực tế học tập thông qua trải nghiệm. Từ đó, hình thành tư duy học đi đôi với hành, năng lực đổi mới sáng tạo, thích ứng giải quyết những bài toán khoa học, sớm làm quen với môi trường học tập ở bậc đại học từ khi còn là học sinh phổ thông.
Hai bên thực hiện nghi thức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác
Tại chương trình, Trường Cơ khí – Ô tô, Đại học Công nghiệp Hà Nội đã ký biên bản ghi nhớ về hoạt động hợp tác các hoạt động phục vụ cộng đồng với Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội) nhằm thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa hai trường trong việc phát triển mối liên kết về giáo dục và đào tạo, các hoạt động cộng đồng phù hợp với định hướng triết lý giáo dục và giá trị cốt lõi của hai bên. Trong đó, SMAE tài trợ, đào tạo, chuyển giao công nghệ các sản phẩm STEM gồm máy in 3D, robot lập trình điều khiển.
Cô Phạm Thị Huyền – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Sơn Tây gửi lời cảm ơn chân thành đến Trường Cơ khí - Ô tô, Đại học Công nghiệp Hà Nội đã đồng hành cùng Nhà trường trong hoạt động giáo dục STEM
“Sử dụng các thiết bị tiên tiến, hiện đại là nền tảng để Trường THPT Sơn Tây tạo nên một môi trường học tập thú vị cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục STEM của nhà trường”, cô Phạm Thị Huyền – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Sơn Tây nhấn mạnh.
Trường Cơ khí – Ô tô, Đại học Công nghiệp Hà Nội trao tặng máy in 3D, robot lập trình điều khiển cho trường THPT Sơn Tây
Bùng nổ với các hoạt động trải nghiệm hấp dẫn
Song hành cùng giáo dục STEM, các thiết bị trong kỷ nguyên 4.0 như máy in 3D, Robot STEM sẽ không thể thiếu trong mỗi trường học. Dựa trên mô hình Robot STEM, học sinh tích hợp tri thức toán học cùng tri thức của các khoa học, kỹ thuật, công nghệ để thiết kế lập trình, giải quyết các bài toán thực tế thông qua các mô hình STEM.
Bạn Khuất Đăng Quang, học sinh lớp 11 Hoá, Trường THPT Sơn Tây
Đối với Khuất Đăng Quang, học sinh lớp 11 Hoá, Trường THPT Sơn Tây, máy in 3D là công cụ rất hữu ích giúp cậu hiện thực hoá ước mơ về một thế giới hạn chế rác thải nhựa. Từ rác thải nhựa tái chế thành nhựa in 3D không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn tạo ra những sản phẩm có giá trị, tính thẩm mỹ cao.
Giảng viên Trường Cơ khí – Ô tô (HaUI) đào tạo và chuyển giao công nghệ cho giáo viên và học sinh nhà trường
Tất cả học sinh hào hứng, tích cực tham gia các hoạt động thực hành. Gương mặt các em thể hiện rõ niềm vui, sự phấn khởi khi được trực tiếp lập trình, điều khiển, vận hành robot về đích; cũng như tạo ra các sản phẩm từ công nghệ in 3D.
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội