Học Công nghệ may tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Khám phá và cơ hội nghề nghiệp
Công nghệ May là một lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng các quy trình kỹ thuật và công nghệ trong việc thiết kế, sản xuất, và hoàn thiện các sản phẩm may để phục vụ người tiêu dùng. Với sự kết hợp giữa nghệ thuật và kỹ thuật, Cử nhân Công nghệ May không chỉ có sự sáng tạo mà còn có năng lực tốt về kỹ thuật trong công nghệ sản xuất sản phẩm may và thời trang. Dưới đây là một số nét chính về Chương trình đào tạo Công nghệ may, thuộc ngành Công nghệ dệt, may; bao gồm các nội dung chính mà sinh viên sẽ học tập, cơ hội nghề nghiệp, và sự hấp dẫn của chuyên ngành Công nghệ may.
Tập thể cán bộ, giảng viên Khoa Công nghệ May & Thiết kế thời trang, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI) nhiệt huyết, tận tâm, trình độ chuyên môn cao
Sinh viên ngành Công nghệ dệt, may (Chương trình đào tạo Công nghệ may tại HaUI) sẽ học những gì?
Chương trình đào tạo Công nghệ May sẽ trang bị cho sinh viên những kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về lĩnh vực Công nghệ May. Sinh viên được học các kiến thức, kỹ năng cơ bản của ngành về Mỹ thuật trang phục, Sáng tác thời trang, Thiết kế đồ họa trang phục, Vật liệu dệt may,… ;
Sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp như thiết kế mẫu rập, mẫu sản xuất công nghiệp và may, hoàn thiện các trang phục từ cơ bản đến nâng cao như quần áo sơ mi, váy… đến áo jacket, veston, măng tô và các trang phục biến kiểu, áo dài truyền thống,... và các loại sản phẩm may công nghiệp khác bằng phương pháp thường dùng và Thiết kế mẫu 2D, 3D, nhảy mẫu, giác sơ đồ trên máy tính với các phần mềm chuyên dụng của ngành May như Lectra, Gerber,… cũng như kiến thức về các loại Thiết bị công nghệ dùng trong ngành Công nghiệp May.
Bên cạnh đó, Sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng và năng lực nghề nghiệp về Thiết kế và tổ chức sản xuất may công nghiệp như Tổ chức lạo động khoa học, Thiết kế và điều hành dây chuyền may, Công nghệ sản xuất sản phẩm may, Quản lý đơn hàng ngành may, Quản lý sản xuất, Quản lý chất lượng sản phẩm may, Cải tiến sản xuất trong Công nghiệp may.
Từ đó, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể áp dụng những kiến thức, kỹ năng và năng lực nghề nghiệp phong phú này vào quá trình thiết kế, tổ chức, triển khai sản xuất trong May công nghiệp với các phương tiện, thiết bị và kỹ thuật hiện đại tại các nhà máy.
Sản phẩm do sinh viên ngành Công nghệ dệt, may tự thiết kế, thực hiện mẫu và trình diễn
Chương trình đào tạo Công nghệ May tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã được thiết kế theo hướng tiếp cận CDIO và vận hành hơn 20 năm, và đã đạt chứng nhận kiểm định chất lượng Quốc gia. Đã có khoảng trên 2000 Kỹ sư, Cử nhân tốt nghiệp Chương trình đào tạo này. Sinh viên tốt nghiệp Công nghệ may sau một năm đều có việc làm trên 98%. Nhiều cựu sinh viên đã rất thành đạt và đang nắm giữ những trọng trách trong ngành dệt, may.
Chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ Đại học, ngành Công nghệ dệt may của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo đầy đủ, trang thiết bị hiện đại
Khoa Công nghệ May và Thiết kế thời trang được đặt tại tòa nhà B7, cơ sở 2 của Tường Đại học Công nghiệp Hà Nội thuộc Phường Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Khoa được trang bị đầy đủ các phòng học có điều hòa, máy chiếu, hệ thống ánh sáng, âm thanh, trang thiết bị phục vụ học tập và nghiên cứu,... Khoa hiện có các phòng thí nghiệm Nghiên cứu phát triển sản phẩm, Phòng thí nghiệm Công nghệ dệt may, Phòng thí nghiệm Vật liệu dệt may và Hóa nhuộm; có phòng thực hành Thiết kế, 7 xưởng thực hành Công nghệ may, phòng Studio, phòng chuẩn bị sản xuất, phòng cắt, phòng thiết bị công nghệ cao với đầy đủ các loại thiết bị công nghệ hiện đại phục vụ đào tạo thực hành, thí nghiệm và nghiên cứu khoa học chuyên ngành.
Ngoài hệ thống phòng học, nhà trường còn có nhà đa năng để phục vụ các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên chung của trường như sân bóng rổ, sân bóng chuyền, sân cầu lông, ... Khuôn viên trường rộng rãi và thoáng mát với nhiều cây xanh tỏa bóng mát và hoa tươi, cây cảnh đẹp mắt. Thư viện trường với hơn 30.000 đầu sách mọi lĩnh vực và chuyên ngành.
Sinh viên học Thiết kế trang phục trên máy tính với phần mềm thiết kế chuyên ngành của hãng Lectra
Sinh viên ngành Công nghệ Dệt, May được học tập với đầy đủ các thiết bị hiện đại của hãng Juki, Brother,…
Cơ hội nghề nghiệp của sinh viên học chuyên ngành Công nghệ may
Sau khi tốt nghiệp Chương trình đào tạo Công nghệ may, người học có thể đảm nhận các vị trí việc làm sau đây tại các doanh nghiệp may:
Thiết kế kỹ thuật: Là một công việc đòi hỏi sự sáng tạo, cẩn thận, có hiểu biết đầy đủ về mỹ thuật và thiết kế kỹ thuật, công nghệ sản phẩm may. Người học thể thiết kế, nhảy mẫu, giác mẫu các sản phẩm trang phục cho sản xuất may công nghiệp, có thể làm việc tại các phòng kỹ thuật của các doanh nghiệp may, thời trang. Đây là vị trí việc làm quan trọng tại các công ty may, thời trang và đang rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu những người tài với kiến thức sâu, kỹ năng lành nghề. Vì vậy, mức lương cho vị trí việc làm này khá hấp dẫn.
Nghiên cứu phát triển sản phẩm may, thời trang: Đây là vị trí việc làm rất quan trọng đối với sự phát triển và duy trì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp may thời trang trên thị trường và vẫn còn rất mới tại Việt nam. Công việc cần thực hiện tại ví trí việc làm này rất đa dạng từ nghiên cứu nhu cầu của người tiêu dùng, xu hướng thời trang, nghiên cứu năng lực sản xuất của nhà máy,… để đề xuất và lựa chọn những mẫu thiết kế sản phẩm dệt, may mới, sáng tạo với sự đổi mới trong thiết kế kỹ thuật và công nghệ sản xuất để đưa vào sản xuất hàng loạt, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường ngày càng đa dạng, phong phú và thay đổi nhanh chóng.
Thiết kế công nghệ: Tại vị trí việc làm này, người làm sẽ nghiên cứu, phát triển và cải tiến quy trình công nghệ may sản phẩm, thiết kế, tổ chức và quản lý dây chuyền may, phân xưởng sản xuất, xây dựng tài liệu kỹ thuật phục vụ sản xuất may công nghiệp.
Quản lý đơn hàng ngành may: Công việc tại vị trí việc làm này là tiếp nhận và phân tích đơn đặt hàng của khách hàng; xây dựng phương án giá, xây dựng tài liệu kỹ thuật phục vụ sản xuất và đánh giá chất lượng sản phẩm chế thử, lập kế hoạch quản lý, kế hoạch sản xuất đơn hàng, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện đơn hàng tại các nhà máy may.
Quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng trong ngành dệt, may và thời trang: Gồm các công việc như kiểm tra chất lượng sản phẩm, xây dựng và thực hiện các quy trình đảm bảo chất lượng sản phẩm dệt may, thời trang theo các tiêu chuẩn của khách hàng, doanh nghiệp, quốc gia hoặc quốc tế trong quá trình sản xuất hoặc trong suốt chuỗi cung ứng sản phẩm dệt may và thời trang.
Kế hoạch, điều độ sản xuất: Công việc tại vị trí việc làm này là lập kế hoạch sản xuất cho các công đoạn, bộ phận trong nhà máy, xác định nhu cầu nguyên vật liệu, quản lý tồn kho,…
Quản lý sản xuất: Công việc tại vị trí việc làm này là Quản lý và điều hành các hoạt động sản xuất nhằm đảm bảo kế hoạch, tiến độ của các đơn hàng sản xuất trong nhà máy và chất lượng sản phẩm của đơn hàng cũng như cải thiện, nâng cao năng suất, hiệu quả tổ chức sản xuất tại nhà máy.
Ngoài những công việc trên, kỹ sư, cử nhân Công nghệ May cũng có nhiều lựa chọn khác như trở thành Giảng viên giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng; Nghiên cứu viên trong các trường, viện nghiên cứu hay các Chuyên viên quản lý nhà nước có liên quan đến lĩnh vực dệt, may và thời trang.
Sinh viên tốt nghiệp cũng có thể kinh doanh, tự khởi nghiệp trong ngành dệt may và thời trang bởi ưu thế dễ tiếp cận và gần gũi với đời sống hoặc tiếp tục học lên ở các trình độ cao hơn như Thạc sĩ, Tiến sĩ.
Kỹ sư Nguyễn Thị Hải Hà – Cựu sinh viên Khóa 9 ngành Công nghệ dệt may, hiện đang là Giám đốc kinh doanh, công ty TNHH Thời trang Anima Việt Nam
Khi học chuyên ngành Công nghệ May, người học có:
Sự sáng tạo và đổi mới: Học Công nghệ May cho phép người học thể hiện sự sáng tạo và đổi mới trong thiết kế và sản xuất sản phẩm thời trang bởi sự thay đổi không ngừng.
Cơ hội nghề nghiệp đa dạng: Mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp với nhiều lĩnh vực và vai trò khác nhau.
Khả năng phát triển nghề nghiệp: Được phát triển các kỹ năng kỹ thuật và mỹ thuật, từ việc vận hành thiết bị, máy móc công nghiệp đến thiết kế thời trang đầy sáng tạo.
Tác động xã hội và môi trường: Ngành Công nghệ May đang phát triển hướng tới sự bền vững, xanh hóa, trách nhiệm xã hội, tạo ra cơ hội làm việc trong các dự án thân thiện với môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.
Chuyên ngành Công nghệ May là một lĩnh vực đầy hứa hẹn, nơi có thể kết hợp sự sáng tạo với kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm may, thời trang độc đáo. Với các cơ hội nghề nghiệp phong phú và tiềm năng phát triển cao, đây là một lựa chọn hấp dẫn cho những ai đam mê thời trang và công nghệ. Nếu bạn yêu thích sự kết hợp giữa nghệ thuật và kỹ thuật, chuyên ngành Công nghệ May có thể là con đường sự nghiệp lý tưởng.
Một số hình ảnh học tập, thăm quan nhà máy và tham gia các dự án phục vụ cộng đồng của sinh viên Công nghệ May, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội:
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội