Đổi mới trong năng lượng mặt trời và kỹ thuật vật liệu tiên tiến – chìa khóa giải quyết những thách thức toàn cầu
Ngày nay, khi năng lượng tái tạo, vật liệu tiên tiến là chìa khóa để giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tiến bộ công nghệ. Những đổi mới trong năng lượng mặt trời và kỹ thuật vật liệu tiên tiến sẽ là nền tảng quan trọng để giới thiệu các nghiên cứu đột phá, thúc đẩy đối thoại và truyền cảm hứng hành động.
Đó là nhấn mạnh của TS. Kiều Xuân Thực – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phát biểu tại Hội thảo khoa học "Những nghiên cứu đổi mới trong năng lượng mặt trời và kỹ thuật vật liệu tiên tiến”, diễn ra vào chiều ngày 4/12/2024.
TS. Kiều Xuân Thực – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phát biểu tại Hội thảo Những nghiên cứu đổi mới trong năng lượng mặt trời và kỹ thuật vật liệu tiên tiến
Hội thảo có sự góp mặt của các diễn giả danh tiếng như Giáo sư Martin A. Green từ UNSW Sydney - chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng mặt trời quang điện; Giáo sư Mônica A. Cotta từ Đại học Campinas - người nổi tiếng với những đóng góp trong nghiên cứu công nghệ nano và biofilm.
TS. Kiều Xuân Thực gửi lời cảm ơn đến đại diện Quỹ VinFuture, các khách mời quốc tế, các nhà nghiên cứu uy tín, cùng các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên, sinh viên tham dự Hội thảo và bày tỏ hy vọng những chia sẻ hôm nay không chỉ trang bị thêm kiến thức cho giảng viên, sinh viên mà còn đóng góp cho cộng đồng khoa học toàn cầu bằng cách tạo ra môi trường học thuật – nơi mà đổi mới sáng tạo có điều kiện phát triển.
Đại biểu tham dự Hội thảo
Tại hội thảo, GS. Martin Andrew Green mô tả quá trình nghiên cứu và phát triển các tấm pin mặt trời hiệu quả hơn, từ những ngày đầu khi công nghệ này mới bắt đầu phát triển. Trong hơn 40 năm nghiên cứu, ông và nhóm nghiên cứu của mình đã tìm ra cách tối ưu hóa hiệu suất của các tấm pin mặt trời thông qua việc cải tiến vật liệu, cấu trúc và công nghệ chế tạo. Những tiến bộ này không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn nâng cao hiệu suất quang điện, làm cho năng lượng mặt trời trở thành một nguồn năng lượng sạch có thể cạnh tranh với các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống.
GS. Martin Andrew Green mô tả quá trình nghiên cứu và phát triển các tấm pin mặt trời hiệu quả hơn, từ những ngày đầu khi công nghệ này mới bắt đầu phát triển.
GS. Martin Andrew Green đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc thúc đẩy các nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo. Ông cho rằng các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và sự gia tăng dân số không thể được giải quyết bởi một quốc gia hay tổ chức riêng biệt mà cần sự hợp tác toàn cầu giữa các nhà khoa học, chính phủ và ngành công nghiệp. Khi tất cả các bên cùng nỗ lực trong việc nghiên cứu, đầu tư và triển khai công nghệ quang điện, chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững và giảm thiểu những tác động tiêu cực của năng lượng hóa thạch đối với môi trường.
Giáo sư Mônica A. Cotta từ Đại học Campinas chia sẻ tại Hội thảo
GS. Mônica A. Cotta từ Đại học Campinas chia sẻ về những hiểu biết về tín hiệu tế bào vi khuẩn; chức năng của chúng ở giao diện nano-sinh học có thể mở ra con đường phát triển các công cụ chẩn đoán thông minh thế hệ mới, cũng như cung cấp những mục tiêu mới để ngăn ngừa các nhiễm trùng liên quan đến biofilm.
Giảng viên, sinh viên giao lưu, chia sẻ với các diễn giả tại Hội thảo
Hội thảo khoa học "Những nghiên cứu đổi mới trong năng lượng mặt trời và kỹ thuật vật liệu tiên tiến” sẽ là nền tảng để trao đổi, khám phá những phát hiện tác động và xây dựng những quan hệ đối tác lâu dài; để cùng nhau khám phá những khả năng, thử thách, những ranh giới và cùng hướng về một tương lai phát triển bền vững, tươi sáng hơn.
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội