Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với doanh nghiệp, trường học Nhật Bản về hợp tác phát triển điện hạt nhân
Ngày 20/12, tại Nhật Bản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với nhóm doanh nghiệp/trường đại học Nhật Bản về điện hạt nhân
Ngày 20/12, tại Nhật Bản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với nhóm doanh nghiệp, trường đại học của Nhật Bản nhằm trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác phát triển điện hạt nhân giữa Việt Nam - Nhật Bản.
Cùng tham gia buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương có đại diện: Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Công nghiệp, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, Báo Công Thương, Trường Đại học Điện lực, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh, Báo Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam...
Về phía Nhật Bản có đại diện Bộ Kinh tế, Thương mại và Công Nghiệp Nhật Bản cùng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện hạt nhân bao gồm: Công ty Năng lượng Hitachi, Công ty Jined, Công ty MHI… đây đều là những doanh nghiệp sản xuất, đầu tư chuyên sâu, hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân tại Nhật Bản và trên thế giới. Ngoài ra, buổi làm việc còn có sự tham gia của hai trường đại học Nhật Bản: Trường Đại học Công nghệ Nagaoka và Trường Đại học Fukui.
Công ty Năng lượng Hitachi (Hitachi Energy) là một công ty công nghệ năng lượng có trụ sở chính tại Zurich, Thụy Sĩ. Các sản phẩm của công ty bao gồm thiết bị điện áp cao, máy biến áp và dịch vụ cho năng lượng tái tạo. Công ty là công ty con của tập đoàn đa quốc gia Hitachi Ltd.
Hitachi Energy cung cấp thiết bị đóng cắt và máy cắt điện áp cao, dòng điện một chiều cao áp, máy biến áp, trạm biến áp và hệ thống tự động hóa điện. Các dự án đáng chú ý mà Hitachi Energy đã tham gia: Nhà cung cấp cho đường dây truyền tải UHVDC Changji-Guquan tại Trung Quốc, đường dây truyền tải đầu tiên trên thế giới hoạt động ở điện áp 1.100 kV (2018); Trạm chuyển đổi HVDC cho cáp điện ngầm một chiều điện áp cao North Sea Link (2021); Lưới điện siêu nhỏ cugn cấp năng lượng tái tạo cho khu vực xa xôi Gull Bay First Nation tại Canada (2022)…
Công ty JINED được thành lập vào tháng 10/2010 với góp vốn đầu tư của 9 công ty điện lực các địa phương, 3 nhà sản xuất lò phản ứng hạt nhân (Toshiba, Hitachi, Mitsubishi Heavy Industries) và Mạng lưới Đổi mới Nhật Bản. Tháng 10/2010, trong Tuyên bố chung tại cuộc gặp cấp cao Nhật Bản - Việt Nam, Nhật Bản được quyết định sẽ là 176 đối tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 tại Việt Nam. Tháng 11/2011, JINED đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam về hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng như phát triển nguồn nhân lực theo yêu cầu của Việt Nam. Kể từ tháng 11/2011, JINED cung cấp nhiều hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng cho EVN. Song song với những hoạt động trên, JINED tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế do Trung tâm Hợp tác Hạt nhân Nhật Bản thực hiện.
Trong khi đó, Mitsubishi Heavy Industries (MHI) là một tập đoàn điện tử và kỹ thuật đa quốc gia của Nhật Bản hoạt động trong nhiều ngành công nghiệp, bao gồm năng lượng, hàng không vũ trụ, quốc phòng và máy móc công nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với nhóm doanh nghiệp, trường đại học của Nhật Bản để trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác phát triển điện hạt nhân giữa Việt Nam - Nhật Bản
Các doanh nghiệp tham gia buổi làm việc đều là những doanh nghiệp sản xuất, đầu tư chuyên sâu trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân tại Nhật Bản
Cơ sở pháp lý đầy đủ, tạo nền tảng để sớm khởi động dự án điện hạt nhân
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cảm ơn các Công ty và hai Trường Đại học của Nhật Bản đã đến làm việc để trao đổi về khả năng hợp tác kết nối Việt Nam - Nhật Bản trong xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam và các nội dung liên quan.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hành lang pháp lý để thu hút, đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam đã đầy đủ
Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, hợp tác quốc tế về năng lượng nguyên tử là giải pháp quan trọng để huy động nguồn lực, rút ngắn thời gian và giảm chi phí đầu tư
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, điện hạt nhân là nguồn điện nền, xanh và bền vững, ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm lựa chọn. Trong lịch sử từng có một số sự cố về các nhà máy điện hạt nhân nhưng xét về xác suất là vô cùng thấp. Hơn nữa, công nghệ điện hạt nhân hiện nay tiến bộ rất xa so với công nghệ trước đây.
Tại Việt Nam, sau 8 năm (kể từ 2016) tạm dừng các Dự án Nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, mới đây Quốc hội Việt Nam đã quyết nghị tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam hiện đang hết sức cấp thiết và được dự báo tiếp tục tăng cao.
Theo Bộ tưởng, hiện nay tổng công suất hệ thống điện năm 2024 khoảng 85.000 MW, tổng công suất cần đạt năm 2030 là khoảng 150.000 MW, và năm 2050 cần đạt 400.000 - 500.000 MW. Do vậy, phát triển nguồn điện hạt nhân sẽ đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP26.
Đồng thời, việc thực hiện dự án điện hạt nhân còn là cơ hội để đất nước phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân toàn cầu.
“Đảng và Chính phủ Việt Nam chủ trương chỉ lựa chọn những công nghệ hạt nhân, đối tác tốt nhất và đào tạo nhân lực để vận hành an toàn, hiệu quả dự án năng lượng của quốc gia” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh và vui mừng thông báo tới các đối tác là doanh nghiệp, trường đại học là Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật Điện lực sửa đổi, trong đó có nội dung liên quan đến việc phát triển điện hạt nhân. Bên cạnh đó, Chính phủ đã thông qua dự kiến và sẽ báo cáo với Quốc hội để sửa đổi Luật về năng lượng nguyên tử, cũng là một cơ sở liên quan đến các vấn đề nội dung cơ bản, liên quan đến công nghệ, vấn đề an toàn trong phát triển điện hạt nhân.
Với hành lang như vậy, cơ bản đã đầy đủ các cơ sở pháp lý để triển khai. Cùng với đó, Việt Nam có các hệ thống pháp luật khác có liên quan đến đầu tư, xây dựng, an toàn, bảo vệ môi trường... Tất cả những cơ sở pháp lý như vậy tạo ra nền tảng để Việt Nam có thể sớm khởi động lại dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Hợp tác quốc tế để phát triển điện hạt nhân là giải pháp tối ưu
Thông tin về những hoạt động của Bộ Công Thương trong thời gian tới để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết:
Thứ nhất, Bộ Công Thương sẽ cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và địa phương rà soát bổ sung quy hoạch dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
“Việc này có thể sẽ sớm được hoàn thành vì bản thân dự án đã có từ trước đây và Việt Nam chỉ là tái khởi động dự án” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin.
Thứ hai, Bộ Công Thương sẽ chủ trì các bộ ngành tham mưu xây dựng, ban hành các nghị định, thông tư để hướng dẫn thực hiện dự án này.
Thứ ba, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ rà soát, xem xét giao cho EVN làm chủ đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Thứ tư, Chính phủ báo cáo trước cấp có thẩm quyền tái đàm phán với Nhật Bản để ký thỏa thuận theo cam kết cũ, tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ và tài chính.
Thứ năm, chủ đầu tư EVN khẩn trương rà soát, cập nhật thông tin điều chỉnh dự án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ sáu, sau khi có chủ trương đầu tư dự án mới, chủ đầu tư sẽ lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng dự án để trình cấp có thẩm quyền cấp phép.
Thứ bảy, chủ đầu tư EVN rà soát lại số nhân lực đã được đào tạo tại Nhật Bản, nếu còn đủ điều kiện và có nguyện vọng sẽ tiếp tục đào tạo lại. Đồng thời, lập kế hoạch đào tạo lượng nhân lực mới. Chính phủ Việt Nam và các bộ ngành liên quan sẽ nỗ lực đảm bảo các công việc này được thực hiện đúng lộ trình đề ra. Đồng thời, chủ đầu tư EVN cũng sẽ khẩn trương rà soát và tiếp tục triển khai hạ tầng điện, nước, khu quản lý vận hành, khu chuyên gia của dự án.
Bên cạnh việc đề nghị Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam về việc lựa chọn công nghệ trong các dự án nhà máy điện hạt nhân, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị doanh nghiệp, trường học Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực
Việt Nam chưa có kinh nghiệm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh và khẳng định, hợp tác quốc tế về năng lượng nguyên tử là giải pháp quan trọng để huy động nguồn lực, rút ngắn thời gian và giảm chi phí đầu tư.
Thúc đẩy hợp tác công nghệ, nguồn nhân lực vì lợi ích mỗi nước
Nhật Bản là quốc gia phát triển có những công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, bản thân Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng, vận hành và xử lý sự cố liên quan đến các nhà máy điện hạt nhân.
Chưa kể, các công ty Nhật Bản ngày hôm nay cũng là những đại diện nổi bật trong số các công ty chuyên về năng lượng của Nhật Bản. Do vậy, Bộ trưởng đề nghị phía Nhật Bản phối hợp, tư vấn, hỗ trợ:
Một là, vấn đề lựa chọn công nghệ: Việt Nam quan tâm nhất là câu chuyện lựa chọn công nghệ, với điều kiện tiên quyết là đảm bảo an toàn và không để xảy ra các sự cố. Các công nghệ trước khi được lựa chọn cần đảm bảo tiêu chuẩn chung về an toàn, đáp ứng được những khuyến nghị của các tổ chức quốc tế và đặc biệt là các khuyến cáo của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế.
Do vậy đề nghị các công ty Nhật Bản giới thiệu các công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn để Việt Nam xem xét, đánh giá, lựa chọn ứng dụng cho cả quá trình xây dựng cũng như vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Hai là, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, trong thời gian tới các đơn vị liên quan của Việt Nam và Nhật Bản sẽ cùng nhau rà soát lại số nhân lực về điện hạt nhân đã được đào tạo tại Nhật Bản. Nếu còn đủ điều kiện và có nguyện vọng sẽ tiếp tục đào tạo lại. Đồng thời, hai bên cùng lập kế hoạch đào tạo lượng nhân lực mới vì Việt Nam rất cần lực lượng nhân lực chất lượng cao nắm rõ chuyên môn về điện hạt nhân.
Đây là một trong những yếu tố hết sức quan trọng đóng góp vào việc Việt Nam có thể thực hiện xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân thành công.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, trong thành phần đoàn Việt Nam có đại diện của Trường Đại học Điện lực và các Trường Đại học trực thuộc Bộ Công Thương Việt Nam. Do đó, đề nghị các công ty Nhật Bản cùng với các Trường Đại học, hiệp hội liên quan của Nhật Bản trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân sẽ sớm trao đổi với phía Việt Nam nhằm xây dựng các chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao nhằm phục vụ phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.
“Trong Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản về công nghiệp, thương mại, năng lượng diễn ra chiều 19/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã trao đổi và chính thức đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong triển khai chương trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân và đã đề xuất nhiều nội dung hợp tác.
Một là, hợp tác trong việc chia sẻ để hoàn thiện cơ chế chính sách cho phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.
Hai là, hợp tác để lựa chọn công nghệ tốt nhất cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận theo kinh nghiệm của Nhật Bản.
Ba là, hợp tác đào tạo, đào tạo lại nhân lực triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.
Thứ tư, tái rà soát lại Hiệp định Liên Chính phủ Việt Nam - Nhật Bản về tài trợ vốn cho dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin và kỳ vọng, Nhật Bản sẽ hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trên cơ sở hai Bên cùng có lợi, vì mục tiêu phát triển của mỗi nước, vì những mục tiêu chung như “phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050” và xứng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước chúng ta.
Đại diện Tập đoàn Hitachi phát biểu tại buổi làm việc
Đại diện Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
Công ty Cổ phần nguyên tử Phát triển Năng lượng nguyên tử quốc tế tham gia phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
Lãnh đạo Đại học Fukui Nhật Bản tham luận ý kiến tại buổi làm việc
Các doanh nghiệp, trường học tại Nhật Bản cam kết, hỗ trợ Việt Nam phát triển điện hạt nhân
Báo Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về buổi làm việc...
Từ ngày 18 đến ngày 22/12/2024, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn có chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản. Trong chuyến công tác, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên sẽ tham dự và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng; chủ trì Hội nghị Tham tán thương mại khu vực châu Á - châu Phi...
Tháp tùng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trong chuyến công tác tại Nhật Bản còn có Thứ trưởng Phan Thị Thắng cùng lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Công nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ, Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Báo Công Thương...
Bên cạnh Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản và Hội nghị Tham tán thương mại khu vực châu Á - châu Phi, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng các thành viên trong đoàn công tác Bộ Công Thương sẽ có những hoạt động trao đổi, gặp gỡ, tiếp xúc bên lề với các đối tác tại Nhật Bản...
Nguồn: Báo Công Thương
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội