Chuyên gia Lê Công Thành: AI tạo sinh giống như siêu xe, còn xăng xe chính là dữ liệu
Chia sẻ tại chương trình “Hội thảo Ứng dụng AI trong công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học” tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, ông Lê Công Thành, CEO Công ty công nghệ InfoRe, chuyên gia trong lĩnh vực AI cho rằng: AI tạo sinh là một trong ba yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp bứt phá, sinh viên cần tự trang bị cho mình cách học AI để làm chủ công nghệ, làm chủ cuộc sống.
Chuyên gia Lê Công Thành: AI tạo sinh giống như siêu xe, còn xăng xe chính là dữ liệu
3 yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số
Trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay, bên cạnh dữ liệu, AI tạo sinh (Generative AI) cũng nổi lên như một yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển của mỗi tổ chức, doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế số, xã hội số nói chung.
Theo chuyên gia Lê Công Thành, CEO InfoRe, sự phát triển chóng mặt của AI tạo sinh đã tạo ra một cuộc đua mới trong ngành công nghệ, đặc biệt là giữa các công ty lớn, với sự góp mặt của 3 thành tố quan trọng, đó là Dữ liệu, AI và Nhân lực số.
Ông Thành cho biết, nếu như dữ liệu là xăng dầu thì AI giống như một chiếc siêu xe và nhân lực số chính là tài xế. Nếu doanh nghiệp nào có tài xế giỏi, có siêu xe tốt và có đủ xăng dầu cần thiết, họ có thể tiến mạnh mẽ lên phía trước và giành chiến thắng trong cuộc đua.
Theo ông Thành, trong cuộc đua này, các doanh nghiệp Việt Nam nếu biết cách làm sẽ không hề thua kém các doanh nghiệp thế giới, bởi nhân lực số - người tài xế của Việt Nam có thể có mức lương thấp nhưng kỹ năng ngang bằng với các quốc gia tiên tiến. Người tài xế Việt Nam có thể vượt qua các rào cản nhờ công cụ AI hiện đại - siêu xe. Siêu xe này có thể do công ty Việt Nam thiết kế, hoặc đi thuê nền tảng của nước ngoài rồi chỉnh sửa cho phù hợp.
1,4 tỉ người cần học AI trong 3 năm tới
Đó là kết luận trong nghiên cứu mới nhất của hãng IBM, được ông Lê Công Thành trích dẫn lại. Theo đó, IBM cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của các chatbot AI thời gian qua, cũng như sự hữu dụng của các chatbot nếu được sử dụng đúng cách, người lao động cần học cách điều khiển/sử dụng các công cụ chatbot AI này để hỗ trợ công việc thường nhật, cũng như tránh bị đào thải, mất việc.
Nỗi lo mất việc có ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt ở các nước công nghiệp phát triển. Theo thống kê năm 2023 của hãng nghiên cứu thị trường Ipsos, 69% người lao động Úc tỏ ra lo lắng về khả năng AI thay thế công việc của họ. Con số này ở Anh là 65%, Canada và Mỹ là 63% và Ấn Độ là 58%.
Điều này cho thấy nếu không hiểu rõ về AI tạo sinh và có kỹ năng sử dụng AI, người lao động sẽ dễ dàng bị đào thải.
Ông Lê Công Thành chia sẻ cách thức tìm kiếm, tận dụng AI trong việc học tập, nghiên cứu khoa học. AI không chỉ giới hạn trong việc dịch văn bản mà còn giúp hỗ trợ giao tiếp trong thời gian thực thông qua các công cụ như trợ lý ảo, ứng dụng hội thoại đa ngôn ngữ và phần mềm dịch âm thanh. Các thiết bị và ứng dụng này có thể giúp người dùng giao tiếp ngay lập tức trong nhiều ngôn ngữ mà không cần phải hiểu hết ngôn ngữ của đối phương. Điều này đặc biệt hữu ích trong các tình huống giao tiếp quốc tế, hội nghị, hội thảo khoa học đa ngôn ngữ….
Cán bộ, giảng viên, sinh viên trao đổi trực tiếp với CEO những nội dung thú vị xung quanh chủ đề AI
CEO Lê Công Thành đã giới thiệu đến cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội những ứng dụng AI hữu ích hay Nhóm "Bình dân học AI" với hơn 150 nghìn thành viên cũng là một cộng đồng lớn mạnh, nơi mọi người từ nhiều lĩnh vực khác nhau cùng nhau tìm hiểu và chia sẻ kiến thức về AI.
Những group này không chỉ là nơi chia sẻ kiến thức mà còn là cộng đồng hỗ trợ lẫn nhau trong việc ứng dụng AI. Thành viên của các group thường xuyên đăng tải các bài viết, video hướng dẫn và thảo luận về cách sử dụng AI trong công việc hàng ngày. Điều này tạo ra một môi trường học tập sôi nổi và hiệu quả, nơi mọi người có thể trao đổi kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau.
Một số hình ảnh tại chương trình:
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội