Tập huấn khai thác tài nguyên giáo dục mở
Trong 02 ngày 11-12/02, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phối hợp với Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức Tập huấn Khai thác tài nguyên giáo dục mở dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Toàn cảnh buổi tập huấn Khai thác tài nguyên giáo dục mở
Tài nguyên giáo dục mở là tài nguyên giáo dục được cấp phép mở và phải tuân thủ các luật bản quyền hiện hành.
Tài nguyên giáo dục mở sẽ góp phần vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu. Khai thác tài nguyên giáo dục mở là một chương trình rất hữu ích, nhất là tận dụng được nền tảng công nghệ mới vào giảng dạy trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay.
Khóa tập huấn do chuyên gia Lê Trung Nghĩa, Viện Nghiên cứu, đào tạo và phát triển Tài nguyên giáo dục mở, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - là người nghiên cứu sâu về Tài nguyên giáo dục mở trực tiếp giảng dạy và hướng dẫn
Khóa tập huấn diễn ra trong 2 ngày, trong đó thời lượng thực hành chiếm 3/4 thời gian toàn khóa.
Nội dung chính của khóa tập huấn cung cấp các kiến thức về: Triết lý của nguồn mở; Khái niệm cơ bản về OER; Hệ thống giấy phép của thế giới nguồn mở; Khai thác OER; Khía cạnh tài chính và mô hình kinh doanh; Chính sách OER và Khoa học Mở trên thế giới và Việt Nam; Các công cụ chọn/sinh giấy phép CC; Mạng công cụ học tập cá nhân của bạn;….
Đồng thời, chuyên gia Lê Trung Nghĩa cũng chia sẻ về một kịch bản giả tưởng cho giáo dục Việt Nam với tài nguyên giáo dục mở của nước ngoài. Trước thuận lợi và thách thức của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam có thể thành công khi và chỉ khi hơn 20 triệu người đang hàng ngày sống, học tập và làm việc trong khu vực giáo dục tham gia vào quá trình: Giành được tri thức; Đào sâu tri thức; Sáng tạo tri thức.
Nhấn mạnh về cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, chuyên gia Lê Trung Nghĩa cho rằng, Việt Nam cần đi với “mở” để phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, để hàng chục triệu người Việt Nam có thể giành được tri thức với giá thành thấp nhất; để các giảng viên và sinh viên có khả năng trở thành những người sáng tạo ra tri thức mới dựa trên các tri thức sẵn có và được cấp phép mở của nhân loại chứ không chỉ đơn thuần sử dụng thụ động các tri thức đó; và để đứng được trên vai của những người khổng lồ - khi các cộng đồng mở của Việt Nam phát triển cùng và không tách rời khỏi các cộng đồng mở của thế giới.
Hơn 20 giảng viên tham gia buổi thực hành tập huấn khai thác tài nguyên giáo dục mở
Ở phần thực hành, chuyên gia Lê Trung Nghĩa trực tiếp hướng dẫn thao tác các phương pháp khai thác nguồn tài nguyên giáo dục mở vô tận trên thế giới thành nguồn tài nguyên “sạch” về bản quyền với chi phí 0 đồng tại Việt Nam, dễ dàng chia sẻ và phát triển.
Sau buổi thực hành, các giảng viên có kết quả tốt nhất cuối khóa tập huấn sẽ là cầu nối truyền đạt những kiến thức về tài nguyên giáo dục mở trong các đơn vị, khoa chuyên ngành nhằm mục tiêu tất cả đội ngũ giảng viên của trường ý thức về vai trò của tài nguyên giáo dục mở với giáo dục thời đại mới.
Các thầy cô chụp ảnh lưu niệm
Phát triển tài nguyên giáo dục mở là một trong những con đường đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số toàn diện tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Tài liệu tập huấn khai thác tài nguyên giáo dục mở:
1. Tổng quan về tài nguyên giáo dục mở (OER) và kịch bản giả tưởng cho giáo dục Việt Nam
2. Thực hành: Khai thác tài nguyên giáo dục mở (OER)
Chủ Nhật, 12:15 12/02/2023
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội