Kết nối nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học lĩnh vực điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang phát triển nhanh chóng ở hầu hết các lĩnh vực của kinh tế - xã hội, điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin được xem là một trong những lĩnh vực quan trọng tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Nhiều tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới được ra đời đều xoay quanh các lĩnh vực này. Vì vậy, việc đào tạo và nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội luôn được cập nhật và đổi mới để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Sự hợp tác với Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển về đào tạo, nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trong lĩnh vực điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin. Trong thời gian tới, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam sẽ mở rộng hợp tác, kết nối nguồn lực trên các lĩnh vực:
Kết nối Trường – Trường: Hiện nay, Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam có hơn 1.000 hội viên đến từ 50 Trường, Viện nghiên cứu, trong đó, có hơn 90% là nhà khoa học trong lĩnh vực điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin và tự động hoá. Đây là cơ hội để sinh viên, giảng viên các trường cùng giao lưu, trao đổi học thuật, kinh nghiệm. Bên cạnh đó, các trường trong Hội cùng phát huy tiềm năng, thế mạnh của các trường trong mở ngành đào tạo và nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực.
Kết nối Trường – Doanh nghiệp: Với mối quan hệ hợp tác với hàng nghìn tổ chức, doanh nghiệp, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội sẵn sàng chia sẻ nguồn lực và kết nối với các doanh nghiệp trong tổ chức Hội. Hiện nay, về phía HaUI và Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam đều có mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin như LG, Samsung, Viettel, Mobifone,…
TS. Kiều Xuân Thực – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng: Hiện nay, tại Việt Nam các doanh nghiệp vẫn đang ở giai đoạn gia công lắp ráp là chủ yếu. Vì vậy, việc kết nối với các doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu khoa học không chỉ đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp mà còn là cơ hội để gắn kết giữa thực tiễn và nghiên cứu khoa học, cùng nhau phát triển, sản xuất các sản phẩm, tự chủ một số công nghệ lõi theo định hướng Make in Viet Nam. Từ đó, góp phần tối ưu hoá, tự động hoá, thông minh hoá dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp
Kết nối các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế: HaUI và Hội sẽ cùng nhau tạo ra các diễn đàn, hội thảo, sân chơi học thuật nhằm thu hút các chuyên gia, nhà khoa học trong nước hợp tác, giao lưu với cộng đồng khoa học quốc tế, từ đó, dễ dàng tiếp cận những hướng nghiên cứu mới, hiện đại trên thế giới.
TS. Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam cho biết: Hiện nay, Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam chủ trì nhiều hội thảo lớn như Hội nghị Quốc tế về các Công nghệ Truyền thông tiên tiến (International Conference on Advanced Technologies for Communications - ATC) và Hội nghị Quốc gia về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin (REV-ECIT) thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, các giảng viên, học viên cao học, sinh viên, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các nghiên cứu, đóng góp của hội thảo đều bám sát mục tiêu phát triển, phù hợp với định hướng phát triển của xã hội theo các chủ đề mà Chính phủ Việt Nam đang hướng đến
Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam mong muốn được phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội để tổ chức các hội thảo khoa học trong các lĩnh vực về điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin, đặc biệt trong nghiên cứu, thiết kế vi mạch bán dẫn hiện nay.
Trong khuôn khổ của buổi làm việc, Đoàn công tác đã tham quan phòng truyền thống, Khoa Công nghệ thông tin, Khoa Điện tử.
Một số hình ảnh tại chương trình:
Thứ Sáu, 16:51 09/08/2024
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội