Nhiều ý tưởng độc đáo tại Lễ bảo vệ đồ án tốt nghiệp ngành Thiết kế Thời trang
Ngày 05/6/2021, 18 bộ sưu tập (BST) của sinh viên khóa 12, ngành Thiết kế Thời trang, khoa Công nghệ May & Thiết kế thời trang, Đại học Công nghiệp Hà Nội đã “ra mắt” tại Lễ bảo vệ đồ án tốt nghiệp và để lại ấn tượng mạnh mẽ.
18 BST là 18 câu chuyện được "kể" bằng ngôn ngữ thời trang - chính là những trang phục thiết kế ấn tượng. Đó là ý tưởng được lấy cảm hứng từ những nền văn hóa đặc sắc như “Nghệ thuật trang trí trên lăng vua Khải Định ứng dụng vào thiết kế áo dài cho nữ từ 25 - 30” của sinh viên Nguyễn Thị Ngà; “Nghệ thuật tạo hình tranh Hàng Trống trong thiết kế thời trang đường phố phong cách lãng mạn” của bạn Trần Thị Ánh; “Ứng dụng nghệ thuật gấp giấy Nhật Bản - Origami trong thiết kế thời trang ấn tượng cho nữ tuổi 20 - 30” của sv Nguyễn Thị Huệ…
Lễ bảo vệ đồ án tốt nghiệp ngành Thiết kế thời trang năm 2021 diễn ra theo hình thức trực tuyến
Đồ án tốt nghiệp là đồ án quan trọng nhất của sinh viên năm 4 ngành Thiết kế Thời trang, chiếm 8 đơn vị học trình (720 giờ). Đây là đồ án tổng hợp giúp sinh viên phát triển và hoàn thiện nhiều kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, sinh viên không có nhiều cơ hội để trải nghiệm thực tế, trao đổi trực tiếp với bạn bè thầy cô nhưng các em vẫn rất cố gắng làm việc trực tuyến với giảng viên hướng dẫn, tuân thủ quy định và tiến độ tốt nghiệp.
BST “Nghệ thuật trang trí trên lăng vua Khải Định ứng dụng vào thiết kế áo dài cho nữ từ 25 -30” của sinh viên Nguyễn Thị Ngà đồ án được Hội đồng đánh giá cao với 9,6 điểm.
Hầu hết các BST đều được Hội đồng chấm điểm đồ án đánh giá cao về mặt ý tưởng thiết kế cũng như các kỹ thuật chuyên môn như cắt - may, sử dụng chất liệu, bố cục họa tiết… Đồng thời, các BST cũng giành được những lời khen từ các thành viên hội đồng với dấu ấn cá nhân sâu sắc, kiến thức sâu rộng về lĩnh vực thời trang, bên cạnh khả năng ứng dụng cao.
Bên cạnh đó còn rất nhiều những đồ án khác có tính ứng dụng cao, bám sát mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trong nhà trường cũng như đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội như: “Ứng dụng nghệ thuật tạo hình hoa văn thổ cẩm của dân tộc Mông trong thiết kế áo dài Việt Nam”, “Cảm hứng bức tranh Weeping woman của danh họa Pablo Picasso trong thiết kế trang phục ấn tượng”, “Ứng dụng nghệ thuật tạo hình trên mũ Hí kịch vào trang phục dạ hội cho nữ”…
Hình ảnh một số BST nổi bật tại Lễ bảo vệ:
BST “Hình tượng người phụ nữ trong tranh của họa sĩ Lê Phổ ứng dụng trong thiết kế thời trang ấn tượng” của sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Ánh. Ý tưởng bộ sưu tập mang hơi hướng trẻ trung, lãng mạn thông qua sự lựa chọn màu sắc, chất liệu và việc thể hiện tạo hình vật liệu trên vải đã tạo nên một sản phẩm độc đáo.
Đồ án “Nghệ thuật tạo hình tranh Hàng Trống trong thiết kế thời trang đường phố phong cách lãng mạn” của sinh viên Trần Thị Ánh. Bộ sưu tập với tông chủ đạo là màu hồng, kết hợp với sắc vàng chanh trên bề mặt lụa, với kỹ thuật đắp hoa, đính hạt làm chủ đạo, phù hợp với tưởng, xu thế của thế hệ trẻ.
BST “Ứng dụng nghệ thuật gấp giấy Nhật Bản - Origami trong thiết kế thời trang ấn tượng cho nữ tuổi 20 - 30” của sinh viên Nguyễn Thị Huệ. BST được hội đồng đánh giá cao về những xử lý chi tiết, hình khối, đường nét trên trang phục.
SV Vũ Thị Ngọc Bích với lựa chọn “Áo Nhật Bình của hoàng hậu triều Nguyễn ứng dụng trong thiết kế thời trang dạ hội cho nữ 25 - 30 tuổi”. Sinh viên đã lựa chọn chất liệu chính là gấm, màu sắc ngũ hành cùng với việc sử dụng tạo hình trang trí in và đính làm chủ đạo.
Đồ án “Hình tượng Nghê thời Hậu Lê ứng dụng trong thiết kế thời trang ấn tượng dành cho nữ” do sinh viên Phạm Thị Hồng Ngát thực hiện. Với việc sử dụng hình tượng Nghê, một con linh vật trong văn hóa Việt Nam đã tạo nên một bộ sưu tập độc đáo, mới lạ.
BST “Ứng dụng nghệ thuật tạo hình hoa văn thổ cẩm của dân tộc Mông trong thiết kế áo dài Việt Nam” của sv Nguyễn Thị Nguyệt.
Chủ Nhật, 10:59 06/06/2021
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội