Ông Linh đưa chiếc ly bẩn vào, máy tự động bơm nước, vòng tua chà sát từ đáy tới thành ly, 3 giây sau ly sạch bong.
Cái máy rửa ly này do ông Nguyễn Duy Linh (TP HCM) sáng chế với giá khoảng 4 triệu đồng, rẻ hơn gần 8 lần so với máy ngoại nhập. Người đàn ông 60 tuổi này từng tốt nghiệp Cao đẳng mỹ thuật Huế, đam mê sáng chế máy móc có tính ứng dụng cao. Trước đây ông từng chế tạo máy cắt khoai mì (sắn) và lẩy hạt bắp (ngô).
Ý tưởng chế tạo máy rửa ly của ông Linh xuất phát từ những lời than phiền của bạn bè kinh doanh cà phê về việc rửa ly tách trong giờ cao điểm đông khách. Rửa ly là công việc đơn giản nhưng tốn nhiều thời gian. Ông Linh tự tìm hiểu và nhận thấy máy rửa ly từ Italy, Đức nhập về Việt Nam giá thành lên đến vài chục triệu đồng. Chiếc máy rẻ nhất nhập từ Đức giá 33 triệu đồng nhưng có hạn chế như chỉ rửa vài loại ly có kích cỡ quy định.
Ông Nguyễn Duy Linh sử dụng chiếc máy rửa ly tự chế. (Ảnh: Khánh Ly)
Tự mày mò học hỏi trên báo chí và Internet, năm 2012 ông Linh chế tạo chiếc máy rửa ly với phiên bản đầu tiên còn khá thô sơ, dây rửa bằng dây dù nên tuổi thọ không lâu, hình thức cũng chưa được bắt mắt. Được bạn bè khuyến khích hoàn thiện vì chiếc máy rất hữu ích khi có lượng ly cần rửa lớn, ông bắt tay cải tiến cả hình thức và chất lượng máy. "Trong vòng một năm qua tôi nhiều lần cải tiến máy mới có hình dáng và chất lượng như hiện nay", ông Linh nói.
Chiếc máy nhỏ gọn, cao 70cm, riêng phần thân máy rộng 40cm dài 40cm có ống nối để nước chảy ra ngoài khỏi tốn công hứng nước bẩn… Để rửa 100 cái ly thì hệ thống máy tốn khoảng 7 lít nước, công suất tiêu thụ điện 1,5 kWh. Ưu điểm là máy có thể rửa ly mọi kích cỡ, từ ly sinh tố thân cao, ly có quai, đến nhỏ như ly uống rượu. Hạn chế là máy chưa có bộ phận sấy khô tại chỗ như nước ngoài và phải rửa từng ly một thay vì bỏ vào một khay 65 ly như máy ngoại nhập. Bù lại, năng suất rửa ly nhanh gần gấp 3 lần, đạt khoảng 1.000 chiếc trong một giờ, lại rửa từng ly một thay vì chờ đủ 65 cái nên đỡ hao điện.
Chiếc máy rửa ly nhỏ gọn, không sử dụng xà phòng. (Ảnh: Khánh Ly)
Chiếc máy gồm 3 bộ phận đơn giản: Thân máy, mút rửa, chậu hứng nước. Người dùng đưa ly vào máy, hệ thống ly tâm đánh từ thành ly tới đáy ly và theo chiều ngược lại, ma sát được hai lượt, không cần tốn xà phòng mà ly vẫn sáng bóng.
Cách sử dụng máy được cho là thân thiện với người dùng, chỉ cầm đáy ly bằng lòng bàn tay rồi đưa vào máy. Khi máy được cấp điện, tay quay sẽ quay tròn, các lá bằng chất liệu cao su gắn trên tay quay ma sát vào lòng ly để lau chùi các vết bẩn. Đồng thời, hệ thống phun nước tự động dưới áp lực cao đẩy nước bẩn ra ngoài và trực tiếp bơm nước sạch vào.
Trong tháng 7 ông Linh sản xuất được 8 cái máy theo đơn đặt hàng, thông thường chế tạo xong một chiếc trong vòng 2-3 ngày.
Đang sử dụng chiếc máy rửa ly này cho quán cà phê của mình, ông Võ Vĩnh Nguyên cho biết: “Chiếc máy giúp công việc nhanh hơn, đỡ sử dụng xà phòng và nhỏ gọn, không chiếm nhiều diện tích căn bếp của quán”. Còn bà Nguyễn Tuyết Mai trực tiếp rửa ly tại quán này nói: “Trước đây tôi rửa mấy trăm cái ly luôn tay, khi dùng cái máy thì có thời gian rảnh tay, giảm 50% công việc”.
Nhân viên sử dụng máy rửa ly tại quán cà phê ở quận 10. (Ảnh: Khánh Ly)
Ông Linh bày tỏ: “Tôi chỉ mê sáng chế chứ vấn đề kinh doanh, phát triển sản phẩm thì không rành. Tôi sẵn sàng nhượng quyền sở hữu sáng chế cho những nhà kinh doanh muốn phát triển sản phẩm, sản xuất đại trà”.
Nhiều người mua máy rửa ly còn đặt hàng cả máy rửa chén. Do đó ông Linh đang nghiên cứu chuẩn bị cho ra đời chiếc máy rửa chén đỡ đần công việc bếp núc. Thiết kế của ông là máy rửa chén sẽ hoạt động trong hệ thống khép kín, có 2 tầng theo hệ thống băng chuyền, băng dưới dùng xà phòng và nước nóng 65 độ, băng trên ra chén đĩa sạch và tự động sấy khô, úp ngược.
"Máy rửa chén đã hoàn thành bản vẽ từ lâu, tôi đang chế tạo dang dở, muộn nhất năm 2015 sẽ sản xuất được", ông Linh cho biết. Nhà sáng chế tay ngang này cũng tâm sự: "Tôi mong sao những sáng chế của người dân được Nhà nước quan tâm để Việt Nam không còn phụ thuộc quá nhiều vào những sáng chế của nước ngoài".
Theo KhoaHoc.com.vn
Thứ Sáu, 16:05 26/09/2014
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội