[baochinhphu] Mở cơ hội trao đổi, kết nối tri thức toàn cầu
(Chinhphu.vn) - Các nhà khoa học trong nước kỳ vọng sự trở lại của Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, với chuỗi hoạt động kết nối khoa học công nghệ, đặc biệt là “Chuỗi Đối thoại Khám phá tương lai VinFuture”, sẽ mang đến nhiều cơ hội để tiếp cận tri thức toàn cầu và hợp tác phát triển.
Các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu thế giới sẽ trở lại Hà Nội trong Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture tháng 12 này để cùng trao đổi, đối thoại với cộng đồng nghiên cứu Việt Nam
"Chuỗi Đối thoại Khám phá Tương lai VinFuture" lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2023, nhằm mở ra cơ hội hợp tác và chuyển giao công nghệ tiềm năng trên thế giới cho Việt Nam.
Tại sự kiện, các nhà khoa học là thành viên Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo VinFuture, cùng những chuyên gia hàng đầu thế giới ở những lĩnh vực công nghệ "nóng", sẽ cùng giao lưu, trao đổi tri thức, chia sẻ kinh nghiệm với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam, đồng thời truyền cảm hứng về hành trình khoa học cho hàng chục nghìn sinh viên và nhà nghiên cứu trẻ trong nước.
Trong năm 2024, 8 tổ chức gồm các viện nghiên cứu, trường đại học lớn nhất Việt Nam và các doanh nghiệp sẽ tham gia thảo luận chuyên sâu với những nhà khoa học hàng đầu thế giới xoay quanh lĩnh vực trọng yếu như trí tuệ nhân tạo (AI), y học, năng lượng, và môi trường...
Giải thưởng VinFuture đang bước vào mùa giải thứ 4 với gần 1.500 đề cử đến từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 9.000 nhà khoa học trở thành đối tác đề cử. Số lượng đề cử năm nay không chỉ tăng mà còn trải dài trên nhiều lĩnh vực khác nhau, cho thấy sự đón nhận ngày càng tích cực của cộng đồng khoa học thế giới. Dự kiến, tuần lễ VinFuture năm nay sẽ diễn ra từ ngày 4 - 7/12, đêm trao giải sẽ diễn ra vào 6/12 tại Nhà Hát Hồ Gươm (Hà Nội).
PGS.TS Ngô Văn Minh, Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết, hoạt động kết nối khoa học quy mô này này đang tạo ra làn sóng hứng khởi chưa từng có đối với giảng viên và sinh viên trường khi các giáo sư hàng đầu thế giới, trong đó có cả chuyên gia phát triển bộ chỉ số đổi mới sáng tạo quốc tế đến trực tiếp chia sẻ về trí tuệ nhân tạo - lĩnh vực đang "làm mưa làm gió" toàn cầu.
Đại diện Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết thêm nhà trường mong đợi sẽ tận dụng tối đa cơ hội này để tìm hiểu cách ứng dụng AI trong giảng dạy và đào tạo, đồng thời nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo phù hợp với đặc thù của trường đại học Việt Nam.
Cũng là một trong những đơn vị tham gia tổ chức sự kiện thuộc chuỗi đối thoại, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, nhà trường đã lựa chọn chủ đề năng lượng và vật liệu tiên tiến, vừa hấp dẫn người tham dự vừa gắn với định hướng phát triển thiết thực.
"Đây là nguồn tri thức mới, có ích đối với công tác đào tạo, nghiên cứu cũng như định hướng phát triển khoa học công nghệ trong tương lai", PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn nói.
Còn PGS.TS Thanh Ngà, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu cho rằng: "Khi được trao đổi với chuyên gia hàng đầu, chúng ta có thể nhanh chóng tiếp cận ý tưởng và phương pháp nghiên cứu mới nhất, hòa nhập với tri thức tiên tiến toàn cầu".
Thông qua sự kiện, giới khoa học Việt Nam cũng có cơ hội trực tiếp nêu lên thách thức đang đối mặt, thảo luận cùng các nhà khoa học hàng đầu thế giới để tìm lời giải đáp hiệu quả nhất.
PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà cho biết, vấn đề quan tâm hàng đầu hiện nay của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu là mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu cùng các ngành, đặc biệt là nông nghiệp cùng năng lượng - hai lĩnh vực quan trọng tại Việt Nam.
Với nông nghiệp, thách thức đang trở nên đa chiều khi vừa phải thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa cần giảm thiểu phát thải từ trong chính lĩnh vực này. Trong khi đó, với năng lượng, chuyển đổi xanh được kỳ vọng là chìa khóa để mở ra tương lai bền vững hơn.
PGS.TS Thanh Ngà hy vọng chia sẻ từ các chuyên gia hàng đầu trên thế giới sẽ mang đến cái nhìn toàn diện, giúp Viện có thể tiếp cận phù hợp về vấn đề trên.
"Những nghiên cứu chuyên sâu sẽ đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải mà Việt Nam đặt ra, đồng thời giúp chúng ta đạt được chiến lược phát triển bền vững", PGS.TS Thanh Ngà cho hay.
Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ
Thứ Sáu, 12:43 15/11/2024
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội