[Công Thương] Bộ Công Thương: Nâng cao năng lực chuẩn ngoại ngữ cho các trường đại học, cao đẳng
Ngày 27/12 tại HaUI, Bộ Công Thương đã tổ chức tập huấn và chuyển giao chương trình, học liệu đào tạo tiếng Anh chuẩn đầu ra cho 32 trường CĐ, ĐH thuộc Bộ
Theo đó, Hội thảo "Tập huấn và chuyển giao chương trình, học liệu đào tạo tiếng Anh theo chuẩn đầu ra và ngành nghề đào tạo” cho các trường đại học, cao đẳng do Bộ Công Thương chỉ đạo và phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI) phối hợp tổ chức.
Tại Hội thảo Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã chuyển giao tài liệu của 5 ngành nghề đào tạo gồm: Cơ khí -ô tô; Dệt may-Thời trang; Thương mại; Công nghệ Hóa; Công nghệ thông tin với 34 bộ tài liệu giảng dạy, học liệu trực tiếp và trực tuyến cho các học phần cho 32 trường cao đẳng, đại học thuộc Bộ Công Thương.
Hiện Việt Nam đã và đang trong quá trình hội nhập phát triển của đất nước, cùng với đó là công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ, với mục tiêu xây dựng được lực lượng lao động có chất lượng cao, có kỹ năng tốt thì việc trang bị ngoại ngữ, mà cụ thể ở đây là tiếng Anh– ngôn ngữ toàn cầu là tất yếu, là chìa khóa để mở ra mọi thị trường lao động.
Tuy nhiên việc đào tạo ngoại ngữ trong các trường cao đẳng, đại học của Việt Nam nói chung, các trường của Bộ Công Thương nói riêng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan và khách quan như: trình độ ngoại ngữ đầu vào của sinh viên các trường không đồng đều, thời lượng đào tạo ngoại ngữ trong chương trình ngắn, giáo viên chưa đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ, phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất lạc hậu,… thì việc trang bị ngoại ngữ cho sinh viên ra trường đi làm tại các doanh nghiệp còn chưa đạt yêu cầu công việc bởi mục tiêu, chương trình và nội dung đào tạo chưa thực sự gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp; hệ thống kiểm tra đánh giá ngoại ngữ chưa thực sự phù hợp chưa là thước đo tin cậy cho nhà tuyển dụng, cơ sở đào tạo, giáo viên và học viên tham khảo; việc nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ chưa được quan tâm đúng mức ở các cơ sở đào tạo;...
Phát biểu tại Hội thảo bà Phạm Ngô Thùy Ninh, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương cho biết: “Trong những năm qua, Bộ Công Thương đã cùng các Trường nghiên cứu, xác định: giải pháp mấu chốt đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao chất lượng dạy- học ngoại ngữ là phải có một phương thức, cách thức giảng dạy và học tập ngoại ngữ tiên tiến, phù hợp với thực tế năng lực giảng viên, sinh viên trong các trường của Bộ nói riêng và cả nước nói chung, và đặc biệt là phải gắn với nhu cầu thực tế của công việc”.
Bà Phạm Ngô Thùy Ninh, đại diện Bộ Công Thương phát biểu tại Hội thảo
Cụ thể hóa chủ trương trên của Bộ, trong khuôn khổ các nhiệm vụ của Đề án Ngoại ngữ quốc gia Bộ đã giao, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã chủ động tăng cường tư vấn chuyên gia quốc tế, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về dạy và học ngoại ngữ và tìm ra được phương thức dạy- học tiếng Anh theo chuẩn đầu ra và ngành nghề đào tạo và xây dựng các chương trình, đề cương chi tiết, học liệu online và offline theo cách thức này.
Thực hiện nhiệm vụ của Bộ Công Thương giao, năm 2018 Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã hoàn thành và chuyển giao cho các cơ sở đào tạo của Bộ Công Thương 06 chương trình và 48 đề cương chi tiết môn học; năm 2019 HaUI cũng đã chuyển giao trọn bộ học liệu Tiếng Anh Điện-Điện tử - gồm chương trình đào tạo, đề cương chi tiết và 6 bộ học liệu online-học liệu trên lớp; năm 2020 tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá cho giảng viên, giáo viên các trường trong Bộ.
“Mục tiêu của Hội thảo lần này nhằm chuyển giao và tập huấn cho các trường sử dụng các sản phẩm trên để sử dụng trong giảng dạy và học tập tiếng Anh tại các trường, cải thiện cơ bản chương trình, phương thức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ. Việc chuyển giao hoàn toàn miễn phí”, bà Phạm Ngô Thùy Ninh chia sẻ.
Hội thảo cũng nhằm giúp các trường có thể tham khảo, học tập và nhân rộng phương pháp, cách thức, mô hình giảng dạy- học tập ngoại ngữ của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội; áp dụng hiệu quả vào hoạt động của trường mình; trên cơ sở đó tiếp tục cải tiến, sáng tạo và đề xuất những giải pháp mới cho nâng cao chất lượng ngoại ngữ cho nguồn nhân lực ngành Công Thương và nguồn nhân lực cả nước.
Đại diện Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Tiến sĩ Kiều Xuân Thực chia sẻ: Đây là đợt chuyển giao tập huấn thứ 3, hệ thống tài liệu đào tạo tiếng Anh do trường phát triển có 2 điểm mới và cả về nội dung và phương pháp giảng dạy. Cụ thể về nội dung từ 2015, HaUI đã đưa tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp và theo chuẩn đầu ra, về phương pháp dạy học kết hợp đây là mô hình “lớp học đảo ngược”.
TS Kiều Xuân Thực phát biểu tại Hội thảo
“Thời gian tới, đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục đầu tư thêm cho HaUI để nhà trường có thể xây dựng, hoàn thiện thêm bộ ngân hàng câu hỏi phục vụ cho kiểm tra thường xuyên, thi hết học phần,… đồng thời để phục vụ dùng chung cho các trường thuộc Bộ”, TS Kiều Xuân Thực đề xuất.
TS Kiều Xuân Thực cũng đề xuất các trường phải đầu tư công nghệ thông tin do chương trình đào tạo là kết hợp trực tuyến và trực tiếp và phương pháp đào tạo theo mô hình “lớp học đảo ngược”, phần trực tuyến có kiểm soát lượng học sinh học bài, thực hiện kiểm tra, trắc nghiệp… học sinh phải vượt qua kỳ kiểm tra mới tiếp tục học tiếp phần tiếp theo.
Tại Hội thảo, Bộ Công Thương cũng đã đề nghị các trường sau chương trình tập huấn triệt để áp dụng kết quả học tập và sản phẩm được chuyển giao vào thực tế đào tạo, nhằm đạt được hiệu quả cao nhất; Đồng thời nhanh chóng nắm bắt thời cơ, tận dụng cơ hội hội nhập và cách mạng CN lần thứ 4 để đưa ra các pháp đào tạo ngoại ngữ cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh từng trường; Quan tâm đến việc bồi dưỡng đội ngũ, cải tiến phương pháp và tạo môi trường có sử dụng ngoại ngữ, sử dụng ngoại ngữ gắn với ngành nghề đào tao; tăng động cơ học tập cho sinh viên.
32 trường cao đẳng, đại học đã được HaUI chuyển giao tài liệu đào tạo tiếng Anh chuẩn đầu ra
Thời gian tới, Bộ Công Thương cũng đã đề nghị các trường đại học, cao đẳng và các trường lớn của Bộ như: ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Công nghiệp Tp HCM, Đại học Điện lực, Đh Kinh tế- Kỹ thuật CN tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp thực hiện tốt các mục tiêu mà Đề án ngoại ngữ quốc gia đã đề ra.
Lớp học đảo ngược có tên tiếng Anh là Flipped Classroom, đây là mô hình học tập ngược lại với mô hình học tập truyền thống. Trong mô hình này, học sinh sẽ học bài trước khi lên lớp thông qua các video quay sẵn, tài liệu hỗ trợ. Đôi khi là các cuộc thảo luận trực tuyến và chuẩn bị câu hỏi, chủ đề thảo luận. Sau đó, khi lên lớp, học sinh đặt các câu hỏi để giáo viên giải đáp; cùng làm bài tập và thảo luận nhóm… để hiểu sâu và mở rộng kiến thức.
Nguồn: Congthuong.vn
Thứ Ba, 10:39 27/12/2022
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội