TS. Nguyễn Văn Thành
Giám đốc Trung tâm Hợp tác Doanh nghiệp
1. Đặt vấn đề
Quan hệ hợp tác giữa các trường Đại học và Doanh nghiệp luôn được nhấn mạnh là yếu tố cốt lõi trong xây dựng hệ thống giáo dục Đại học gắn liền yêu cầu thực tiễn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Có thể nói, liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động đào tạo trong nhà trường, cho doanh nghiệp, cho người học và xã hội.
Việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, năng suất lao động thấp đang là vấn đề thách thức của Việt Nam để sẵn sàng cho một giai đoạn mới dựa trên nền tảng khoa học công nghiệp 4.0. Trước xu thế máy móc tự động hóa thay thế con người, nguồn nhân lực phải được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới. Khi đó, hợp tác giữa Nhà trường – Doanh nghiệp càng có ý nghĩa thiết thực góp phần đổi mới phương thức đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thời cuộc.
Với phương châm “hợp tác đôi bên cùng có lợi”, hoạt động hợp tác doanh nghiệp tại Đại học Công nghiệp Hà Nội được xây dựng trên cơ sở nhu cầu và lợi ích các bên. Hiện tại, trường có quan hệ hợp tác với trên 2000 tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước với các hoạt động được triển khai đa dạng dưới nhiều hình thức khác nhau. Thông qua tiếp xúc doanh nghiệp, nhà trường đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao năng lực làm việc của sinh viên tốt nghiệp đáp ứng nhu cầu ngành công nghiệp.
2. Các hoạt động hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Thứ nhất, khảo sát nhu cầu doanh nghiệp. Hoạt động này giúp nhà trường nắm bắt nhu cầu các ngành, nghề và thị trường lao động và các góp ý của doanh nghiệp về chương trình, nội dung đào tạo, phản hồi về năng lực làm việc của sinh viên tốt nghiệp. Từ đó cập nhật, bổ sung các module mới từ phía doanh nghiệp như: vẽ kỹ thuật theo phương pháp góc chiếu thứ 3, thiết kế khuôn mẫu, điều khiển logic khả lập trình, kiểm soát chất lượng, quản lý sản xuất… Các phương pháp quản lý từ doanh nghiệp cũng được nhà trường triển khai sâu rộng tới cán bộ giáo viên và sinh viên như 5S, PDCA, an toàn lao động… Là một trong số ít các trường đại học đào tạo 5S cho sinh viên và áp dụng 5S như một thói quen, một nét văn hóa riêng, nhà trường được các doanh nghiệp đánh giá cao khi sinh viên tốt nghiệp nhanh chóng thích ứng môi trường làm việc.
Thứ hai, tổ chức thăm quan, thực hành thực tập tại doanh nghiệp cho giảng viên và sinh viên. 100% sinh viên được đi thực tập tại doanh nghiệp, hơn 2000 doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên đến thực tập mỗi năm. Nhà trường hướng tới các doanh nghiệp có công nghệ kỹ thuật tiên tiến, kỷ luật nghiêm, sinh viên được tham gia trực tiếp vào chu trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, rèn luyện ý thức, tác phong công nghiệp, ngoài ra doanh nghiệp có thể tuyển chọn được nhân sự giỏi ngay trong quá trình sinh viên thực tập. Thăm quan doanh nghiệp cũng là hoạt động nhằm tăng tính tương tác, cập nhật công nghệ thực tiễn từ các mô hình sản xuất, quản lý mới để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng của các công nghệ hiện đại từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ ba, phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các chương trình tuyển dụng nhân sự. Hơn 30 hội thảo tuyển dụng, hơn 200 thông báo tuyển dụng, hơn 60 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia ngày hội việc làm với hàng nghìn cơ hội việc làm cho sinh viên mỗi năm. Tỉ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp đạt trên 90%. Trong khi nhiều người lo ngại cách mạng 4.0 sẽ khiến tỉ lệ thất nghiệp tăng cao thì các hoạt động trên đem lại cho sinh viên những thông tin thời cuộc trực tiếp và chính xác, được gặp gỡ, tiếp xúc, tham gia phỏng vấn, ứng tuyển vào các doanh nghiệp, từ đó tìm được việc làm phù hợp ngay khi tốt nghiệp.
Thứ tư, phối hợp với doanh nghiệp tổ chức hội thảo định hướng nghề nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng mềm, đẩy mạnh sáng tạo và khởi nghiệp cho sinh viên. Doanh nghiệp chia sẻ các kiến thức, kỹ năng mà nhà tuyển dụng yêu cầu đối với các ứng viên tương lai giúp sinh viên hiểu hơn về nghề nghiệp, có được phương pháp học tập và động lực phấn đấu. Bên cạnh việc trang bị kiến thức, kỹ năng, khả năng ngoại ngữ, các bạn trẻ biết được cần phải thay đổi tư duy và tâm thế theo hướng tiếp cận mới để tìm việc thành công.
Thứ năm, phối hợp với doanh nghiệp xây dựng và triển khai chương trình đào tạo trước tuyển dụng. Hai bên phối hợp lựa chọn và đào tạo sinh viên trên cơ sở bổ sung kiến thức và kỹ năng thực tế của doanh nghiệp vào chương trình đào tạo. Sinh viên sẽ đáp ứng được yêu cầu công việc ngay khi tốt nghiệp, doanh nghiệp tuyển được nguồn nhân lực chất lượng cao mà không phải đào tạo lại. Tiêu biểu là các chương trình hợp tác như: “Lớp kỹ sư chuyên ban” với Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải, sinh viên năm thứ 3 trúng tuyển được đào tạo tiếng Trung và kiến thức chuyên ngành từ tập đoàn; “Lớp kỹ sư tài năng” với công ty Nissan Automotive Technology và Pasonatech Việt Nam. Sinh viên năm thứ 4 trúng tuyển được cấp học bổng, đào tạo tiếng Nhật, văn hóa Nhật, đào tạo kỹ thuật và thiết kế. Sau khi hoàn thành chương trình, các sinh viên sẽ được tuyển chọn vào làm việc tại Nissan Techno Việt Nam hoặc phái cử làm việc cho các Công ty Nhật Bản tại Việt Nam; “Lớp kỹ thuật viên Meister” với Công ty TNHH Minami Fuji Nhật Bản về tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp, đào tạo kỹ năng kỹ thuật chuyên môn sau đó đưa đi làm việc tại Nhật Bản; “chương trình tuyển dụng của công ty Samsung” ngay khi sinh viên bắt đầu đi thực tập tốt nghiệp. Đây là các mô hình đào tạo theo hướng chủ động nắm bắt, đón đầu xu thế và yêu cầu của thị trường lao động.
Thứ sáu, phối hợp cùng thiết kế chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo ngắn hạn theo yêu cầu doanh nghiệp. Nếu năm 2013, khi nhà trường bắt đầu triển khai mở rộng hoạt động đào tạo ngắn hạn cho doanh nghiệp Việt Nam và FDI với 15 khóa cho 144 học viên thì đến năm 2017 đã lên tới 55 khóa cho 1283 học viên. Đây chính là cơ hội giúp giảng viên Nhà trường cọ sát với thực tế, tiếp cận các phương thức sản xuất hiện đại, nâng cao năng lực xây dựng chương trình đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, đồng thời góp phần cải tiến nội dung đào tạo sát với thực tiễn.
Thứ bảy, tiếp nhận đơn hàng sản xuất và hợp tác đào tạo, nghiên cứu với doanh nghiệp. Tối thiểu 30% cán bộ giáo viên nhà trường có các hoạt động nghiên cứu hợp tác với doanh nghiệp. Cán bộ doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo và trực tiếp giảng dạy cho sinh viên ở một số học phần. Nhờ sự kết hợp này, hai bên chia sẻ những nguồn lực chung như cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực, quan trọng nhất là giúp rút ngắn khoảng cách giữa chất lượng nguồn nhân lực và yêu cầu của doanh nghiệp.
Thứ tám, huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp thông qua các chương trình tài trợ thiết bị đào tạo cho nhà trường và trao tặng học bổng cho sinh viên. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là đỉnh cao của tự động hóa với máy móc sản xuất hiện đại, thông minh. Tuy nhiên vấn đề khó khăn nhất của các trường hiện nay là chi phí đầu tư cho công nghệ. Nhiều cơ sở đào tạo không đủ nguồn lực đầu tư cho các mô hình thí nghiệm thực hành, phòng học thông minh… đặc biệt là khối ngành kỹ thuật. Nhận thức được điều đó, trường ĐHCNHN luôn chủ động tìm kiếm cơ hội, đề xuất chương trình hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp. Thông qua các chương trình hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong 10 năm trở lại đây, nhà trường đã huy động được nguồn lực vật chất tương đương trên 200 tỷ đồng và hơn 7 tỷ đồng học bổng cho sinh viên. Tiêu biểu là các Dự án kỹ thuật của tổ chức JICA – Nhật Bản, chương trình hợp tác với Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải thành lập trung tâm đào tạo cơ khí chính xác tại trường, chương trình hợp tác với công ty Toyota đào tạo sửa chữa thân vỏ xe ô tô, chương trình hợp tác với Samsung đào tạo lập trình nhúng, phòng thực hành điều hòa không khí Mitsubishi… Qua đó cán bộ giảng viên và sinh viên được tiếp xúc với khái niệm 4.0 cả về lý thuyết và thực hành giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp được trang bị đầy đủ kiến thức kỹ năng bậc cao, đáp ứng sự chuyển biến ứng dụng công nghệ tại các doanh nghiệp.
Thứ chín, liên kết hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng, tuyển chọn, bồi dưỡng đưa sinh viên đi học tập, thực tập, làm việc ở nước ngoài, trọng tâm vào các quốc gia có nền khoa học kỹ thuật phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,… với hàng ngàn lao động mỗi năm, tạo cơ hội việc làm tốt khi các em trở về nước. Việc liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài giúp nhà trường luôn cập nhật kiến thức, kỹ năng và công nghệ, vấn đề mới của thế giới.
3. Kết luận
Có thể khẳng định rằng, hoạt động hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường, được các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động đánh giá cao. Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tăng hàng năm, uy tín và thương hiệu Đại học Công nghiệp Hà Nội ngày càng được khẳng định. Trong bối cảnh thế giới đang diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, yếu tố cốt lõi của việc xây dựng hệ thống giáo dục đại học đó là đào tạo gắn liền với thực tiễn, đào tạo đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Do đó việc phát triển mô hình kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp chính là nhiệm vụ quan trọng để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời đại mới. Vì vậy, cần phải nghiên cứu về cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, liên kết, hợp tác với các trường. Bản thân các trường cần phải thích nghi bằng cách chủ động hội nhập, đi trước đón đầu các kỹ năng cần thiết cho một nền kinh tế thông minh và công nghiệp hóa./.
Thứ Tư, 07:56 11/07/2018
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội