Sáng ngày 30/12/2016, Khoa Cơ khí Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về chuẩn đầu ra ngành CNKTCK theo mô hình CDIO. Việc xây dựng chương trình đào tạo theo mô hình CDIO nằm trong mục tiêu, chiến lược nâng cao chất lượng đào tạo của khoa Cơ khí, góp phần nâng cao uy tín giáo dục của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trong bối cảnh hội nhập sâu, rộng với thế giới hiện nay.
Đến dự buổi Hội thảo có đại diện các Công ty, Doanh nghiệp, Trường đại học … cựu sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ khí, đại diện Phòng KHCN, phòng Đào tạo, trung tâm ĐGKNG&QHDN, khoa Điện, trung tâm Việt Hàn, công ty Đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực Letco, Ban chủ nhiệm khoa Cơ khí, trưởng các bộ môn và các giảng viên trong khoa, trường quan tâm đến dự.
TS. Nguyễn Văn Thiện - Phó trưởng khoa Cơ khí, chủ trì hội thảo phát biểu ý kiến mở đầu hội thảo: mục tiêu hội thảo, chương trình hội thảo và những nôi dung cần trao đổi, xin ý kiến để xây dựng chương trình đào tạo theo mô hình CDIO. TS. Nguyễn Xuân Chung – Trưởng khoa Cơ khí, trưởng nhóm xây dựng chương trình đã giới thiệu tổng quan: quy trình xây dựng, các khái niệm liên quan CDIO, cũng như điểm qua một số điểm chính trong lộ trình thực hiện kiểm định chương trình đào tạo của khoa. CDIO là một sáng kiến mới cho giáo dục, là một hệ thống các phương pháp, hình thức tích lũy tri thức, kỹ năng trong việc đào tạo sinh viên để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Khởi nguồn từ Viện công nghệ MIT (Mỹ), cho đến nay mạng lưới các trường đại học áp dụng CDIO trên toàn thế giới đang tăng lên rất nhanh. CDIO xuất phát là một hệ thống phương pháp phát triển các chương trình đào tạo kỹ sư nhưng về bản chất, CDIO là một quy trình đào tạo chuẩn và căn cứ vào đầu ra để thiết kế đầu vào. Quy trình này được xây dựng một cách khoa học, hợp lý, logic và về phương pháp tổng thể mang tính chung hòa có thể áp dụng để xây dựng quy trình chuẩn cho nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau ngoài ngành kỹ sư (với những sự điều chỉnh, bổ sung cần thiết). Áp dụng mô hình CDIO để xây dựng và triển khai thực hiện chương trình đào tạo trình độ đại học, đổi mới, cải tiến phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá, thay đổi môi trường học tập, trải nghiệm nâng cao chất lượng đào tạo theo định hướng ứng dụng, giúp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp trở thành những kỹ sư, cử nhân có kiến thức chuyên môn, có năng lực Hình thành ý tưởng (Conceive) – Thiết kế (Design) – Triển khai (Implement) – Vận hành (Operate) các sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng tốt yêu cầu công việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Mục tiêu đào tạo của ngành CNKTCK bao gồm 5 mục tiêu được xây dựng dựa trên sứ mạng của Nhà trường, tham khảo đề cương CDIO. Theo đó, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có khả năng sáng tạo để giải quyết những vấn đề liên quan đến quy trình sản xuất sản phẩm, phân tích, thiết kế, phát triển, đảm bảo chất lượng trong ngành CNKTCK.
TS. Nguyễn Xuân Chung báo cáo tại hội thảo
Chuẩn đầu ra của sinh viên ngành CNKTCK là những gì sinh viên đạt được tại thời điểm tốt nghiệp. Các chuẩn đầu ra này cũng được Hội thảo đánh giá với mục tiêu chương trình đào tạo, các chuẩn đầu ra của CDIO để đảm bảo tính khoa học, logic và khả thi của chương trình. Sau phần trình bày, các đại biểu tham dự hội thảo đã đóng góp nhiều ý kiến theo góc nhìn của doanh nghiệp sử dụng nhân lực ngành CNKTCK, các đơn vị trong trường và góc nhìn của cựu sinh viên đã học chuyên ngành CNKTCK tại trường. Các ý kiến xoay quanh vấn đề cần chi tiết hóa, định lượng hóa, thay đổi cách ưu tiên một số tiêu chí đánh giá để dễ dàng cho việc kiểm định.
* Các thành viên thảo luận tại hội thảo:
Kết thúc buổi hội thảo, TS. Nguyễn Văn Thiện đã trả lời và trao đổi các ý kiến của hội thảo, thống nhất các mục tiêu chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra. Đây là cơ sở để tiến hành các bước tiếp theo trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo theo mô hình CDIO.
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội