Ngày 13 tháng 11 năm 2013 nhóm nghiên cứu do ThS Trần Thị Tùng Lâm làm chủ nhiệm đề tài cấp cơ sở: "Tăng cường giáo dục văn hóa học đường cho sinh viên Trường Đại học Công nghiệp hiện nay" đã bảo vệ thành công và nghiệm thu đề tài đúng tiến độ. Nội dung của đề tài đề cập đến một vấn đề quan trọng trong giáo dục, đào tạo sinh viên hiện nay đó là vấn đề giáo dục văn hóa học đường. Mục tiêu của giáo dục - đào tạo là chuyển vốn học vấn thành vốn văn hóa: Từ tri thức, kỹ năng sang thái độ, giá trị nhân cách, điều mà ngày nay thường nói là giáo dục, đào tạo không chỉ dạy chữ, dạy nghề mà còn dạy dạy người. Mục tiêu chung nhất của giáo dục văn hóa học đường là xây dựng trường học lành mạnh, cơ sở quan trọng để đảm bảo chất lượng thật và thương hiệu của nhà trường. Văn hóa học đường là hệ các chuẩn mực, giá trị giúp cán bộ quản lý nhà trường, các thầy cô giáo, phụ huynh và sinh viên có cách thức suy nghĩ, tình cảm, hành động tốt đẹp. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là một trường đào tạo đa ngành, đa cấp học với số lượng sinh viên lớn, lại đến từ nhiều vùng miền, mang nhiều thói quen, tập quán vùng miền, gia đình khác nhau, vì vậy hoạt động giáo dục văn hóa học đường được nhà trường quan tâm. Tuy nhiên, vì những lý do chủ quan và khách quan hiệu quả giáo dục văn hóa học đường cho sinh viên trong trường chưa đạt được yêu cầu đề ra. Đề tài được tiến hành nghiên cứu kết quả đực báo thành 3 chương. Chương 1. Cơ sở lý luận và tổng quan vấn đề đã được nghiên cứu; Chương 2. Khảo sát thực trạng hoạt động giáo dục và biểu hiện những hành vi văn hóa học đường trong Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thông qua điều tra xã hội học (bảng hỏi, quan sát, phỏng vấn sâu...) từ đó phát hiện những nguyên nhân khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục văn hóa học đường cho sinh viên của Nhà trường; Chương 3. Đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục văn hóa học đường cho sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội