Sáng 18/8/2018, Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức “Sơ kết triển khai đề án CDIO giai đoạn 2016 – 2018” – những kết quả và tác động. Hội nghị kéo dài gần 4 giờ đồng hồ, tập trung trao đổi về kết quả và tác động của đề án trong quá trình đổi mới giáo dục đại học của ĐHCNHN. Kết thúc Hội nghị, PGS.TS. Trần Đức Quý – Hiệu trưởng nhà trường đã kết luận chỉ đạo và đưa ra những định hướng triển khai trong giai đoạn tiếp theo.
PGS.TS. Trần Đức Quý – Hiệu trưởng Nhà trường chủ trì Hội nghị
Tiếp cận CDIO (viết tắt của cụm từ Conceive – Design – Implement – Operate: Hình thành ý tưởng – Thiết kế - Triển khai – Vận hành) giúp hình thành một khung chuẩn trong phát triển chương trình đào tạo. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã và đang áp dụng tiếp cận CDIO trong thiết kế, vận hành các chương trình đào tạo trình độ đại học nhằm: i) Đảm bảo đào tạo đáp ứng Chuẩn đầu ra; ii) Chuẩn đầu ra phản ánh những năng lực của người học mà thị trường đang cần & sẽ cần; và iii) Trang bị Kiến thức, kỹ năng phổ rộng cơ bản + Tư duy sáng tạo, khả năng tự học để người tốt nghiệp có thể thích nghi với các yêu cầu công việc mang tính liên ngành và thường xuyên thay đổi trong thực tế.
Sau gần 2 năm triển khai đề án, mặc dù còn nhiều khó khăn, song những kết quả đạt được của đề án đã khẳng định định hướng đúng đắn của nhà trường trong đổi mới chương trình đào tạo: Các sản phẩm đầu ra của đề án được nghiệm thu và đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả tốt trong đào tạo, tạo ra một khung chuẩn để đảm bảo đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra; Tạo nền tảng quan trọng để chuẩn bị cho kiểm định các CTĐT theo chuẩn khu vực, quốc tế; Quá trình triển khai đề án đã có những tác động tích cực đến sinh viên, đến quản lý cấp Khoa/Bộ môn và giảng viên, để nâng sức cạnh tranh của Khoa, Ngành, đảm bảo sự phát triển bền vững.
TS. Kiều Xuân Thực – Trưởng phòng đào tạo báo cáo kết quả triển khai đề án giai đoạn 2016 – 2018 và nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2018 - 2022
Tiếp tục thực hiện đề án CDIO trong giai đoạn 2018 – 2022:
- Triển khai tự đánh giá sau mỗi học kỳ, năm học; cải tạo môi trường học tập; đầu tư sách, giáo trình và tài liệu tham khảo; thiết lập hạ tầng cho đào tạo trực tuyến, đào tạo kết hợp; triển khai đề án đổi mới khảo thí để kiểm tra, đánh giá đồng bộ với những đổi mới về nội dung chương trình trong Đề án CDIO; tiếp tục bồi dưỡng GV các kỹ năng chuyên nghiệp (quản lý thời gian, quản lý con người, quản lý dự án/đồ án, …), bồi dưỡng về kiểm tra, đánh giá theo chuẩn đầu ra, … Bồi dưỡng quản lý cấp khoa, bộ môn về quản lý đào tạo, về phát triển chương trình; cải tạo phòng học cho phù hợp dạy học tích cực.
- Sắp xếp, cải tạo không gian học tập, trải nghiệm; đổi mới phương pháp dạy học: Kết hợp phương pháp truyền thống với các phương pháp tích cực + Tăng cường ứng dụng CNTT...
Toàn cảnh Hội nghị
PGS.TS. Trần Đức Quý – Hiệu trưởng Nhà trường tổng kết, yêu cầu tập trung 07 vấn đề cốt lõi
Hiệu trưởng khẳng định: Phải nhận thức rõ được vai trò và tầm quan trọng của CDIO – một quy trình khoa học, hợp lý, logic, không chỉ tạo ra một khung chuẩn để đảm bảo đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra mà còn là một hướng dẫn quan trọng về đào tạo, quản lý giáo dục như: phương pháp lãnh đạo, quản lý, phát triển đội ngũ giảng viên với chuyên môn sâu, gắn doanh nghiệp với cơ sở giáo dục; phương pháp học tập dựa trên dự án, nhóm, cải cách chương trình khung, cung cấp kỹ năng giao tiếp ...Có thể nói, CDIO rất hữu ích trong việc triển khai chương trình đào tạo hiệu quả, là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Hiệu trưởng yêu cầu trong thời gian tới, nhà trường cần tập trung 07 vấn đề sau:
(1) Tiếp tục làm rõ bản chất, giá trị của áp dụng CDIO trong đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, để đội ngũ thầy cô giáo hiểu sâu sắc, tại sao phải thực hiện và cần phải quyết liệt hoàn thành đề án trong 2 năm còn lại.
(2) Cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt và thực hiện lộ trình cho từng Khoa, Trung tâm đào tạo. Trong quá trình làm, cần vừa làm, vừa điều chỉnh sao cho phù hợp và đạt kết quả cao nhất.
(3) Tập trung xây dựng chuẩn đầu ra của từng học phần, từng chương trình.
(4) Đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo hứng thú, truyền cảm hứng cho sinh viên, nâng cao chất lượng mỗi giờ giảng.
(5) Bộ phận khảo thí cần sớm xây dựng lộ trình hoàn thiện cho từng ngành học cụ thể.
(6) Thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm, kịp thời có những hướng điều chỉnh, giải pháp phù hợp trong quá trình áp dụng CDIO, phát triển chương trình đào tạo.
(7) Nhanh chóng triển khai đánh giá kiểm định chương trình đào tạo theo lộ trình, khoa nào đủ điều kiện đánh giá thì tập trung đánh giá trước.
CDIO chắc chắn sẽ mang lại những thành công cho ĐHCNHN trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập, thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội