Trong hai ngày 12-13/10/2018, Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức Hội thảo Quốc tế VietTESOL với sự hợp tác cùng Đại sứ quán Hoa Kỳ và cộng đồng chuyên môn VietTESOL. Giáo sư Nguyễn Hòa, Chủ tịch Phân hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh (VietTESOL) khai mạc Hội thảo, ông nhấn mạnh: “Chủ đề của Hội thảo là Đào tạo tiếng Anh đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tôi không thể nghĩ ra được một nơi phù hợp để tổ chức Hội thảo lần này hơn Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội”.
Ban Tổ chức trao Giấy chứng nhận và hoa cho các diễn giả
Hội thảo Quốc tế năm nay có sự tham gia của hơn 400 chuyên gia, diễn giả, các nhà nghiên cứu, các giảng viên trong nước và nước ngoài: hơn 50 khách mời đại diện cho các tổ chức như Văn phòng tiếng Anh khu vực - Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Hội đồng Anh tại Việt Nam, Nhà xuất bản Đại Trường Phát, tổ chức IIG Việt Nam, Đại học Missisipi, Nhà xuất bản Pearson, Macmillan Education, Nhà xuất bản Oxford, Nhà xuất bản Cengage, Nhà xuất bản Bộ GD&ĐT, tổ chức Cleverlearn, các trường đại học tại Việt Nam. Có gần 30 báo cáo viên là người nước ngoài đến từ các nước như Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, Triều Tiên, Philippin, Canada, Mỹ, Anh và Cộng Hòa Séc. Về phía Trường ĐHCNHN có sự tham dự của TS.Bùi Thị Ngân - Phó Hiệu trưởng, TS. Hoàng Ngọc Tuệ - Trưởng khoa Ngoại ngữ và hơn 200 giảng viên giảng dạy Tiếng Anh của Trường.
Giáo sư Nguyễn Hòa, Chủ tịch Phân hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh (VietTESOL), phát biểu Khai mạc Hội thảo
Hội thảo lần này diễn ra với 165 bài báo cáo, các bài trình bày poster, triển lãm ứng dụng công nghệ trong giảng dạy. Bên cạnh 4 phiên toàn thể tại hội trường lớn, hội thảo được chia thành 12 phiên song song để thảo luận theo 3 chủ đề: (1) Công nghệ trong dạy và học Tiếng Anh; (2) Phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá trong giảng dạy Tiếng Anh; và (3) Tiếng Anh chuyên ngành theo định hướng nghề nghiệp.
Các báo cáo được thuyết trình bao gồm các nội dung:
i. Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo và kiểm tra đánh giá; mô hình quản lý đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.
ii. Phân tích thực trạng việc phát triển mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo và kiểm tra đánh giá; mô hình quản lý đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh.
iii. Đề xuất giải pháp phát triển mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo và kiểm tra đánh giá; mô hình quản lý đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Tiến sĩ Bùi Thị Ngân, Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu chào mừng Hội thảo
Tại phiên toàn thể của Hội thảo chào đón bốn diễn giả với 4 chuyên đề được trình bày: (1) Ông David Kertzner, Chuyên gia đào tạo tiếng Anh, Văn phòng Tiếng Anh Khu vực, Đại sứ quán Mỹ với bài “Liên hệ từ lớp học đến nơi làm việc: Định hướng cho các giáo viên và chương trình giảng dạy tiếng Anh; (2) Tiến sĩ Đặng Tấn Tín, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. HCM với nghiên cứu “Tăng cường tính chủ động của người học: Hoạt động học tập kiến tạo trên môi trường ảo; (3) Phó Giáo sư Margaret Kettle, Trường Đại học Công nghệ Queensland, Australia với chủ đề “Cách đưa phản hồi sửa lỗi nhằm tăng cường cơ hội học tập và tính chủ động của người học: Kinh nghiệm thực tế của giảng viên và sinh viên”; (4) Tiến sĩ Trần Thị Duyên, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, với bài trình bày “Quan điểm của sinh viên, giảng viên, chuyên gia và nhà tuyển dụng về yêu cầu sử dụng tiếng Anh tại nơi làm việc: Vấn đề và giải pháp”.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Tuệ, Trưởng khoa Ngoại ngữ nhận Cờ lưu niệm
Chiều 13/10, tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã diễn ra Lễ Bế mạc và trao bằng khen, giấy chứng nhận cho các đơn vị, cá nhân tham gia Hội thảo quốc tế VietTESOL 2018. Ban Tổ chức đánh giá cao Đại học Công nghiệp Hà Nội đã chuẩn bị tốt các điều kiện và phối hợp tổ chức thành công Hội thảo. Ban Tổ chức cũng trao Cờ lưu niệm cho đơn vị tổ chức năm nay - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và đơn vị chủ nhà Hội thảo Quốc tế VietTESOL 2019 - Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế.
Là đơn vị đồng tổ chức và cũng là đơn vị luôn coi trọng việc nâng cao năng lực Tiếng Anh cho sinh viên, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động và xã hội, từ năm 2015 ĐHCNHN đã triển khai đề án đổi mới đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên song song với việc nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên về năng lực chuyên môn, về phương pháp giảng dạy, tiếp cận mô hình đào tạo tiến tiến trên thế giới. Đề án đổi mới đào tạo ngoại ngữ của Trường ĐHCNHN đã nhận được sự ủng hộ của cán bộ, giảng viên và sinh viên, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, chất lượng đào tạo, năng lực Tiếng Anh của sinh viên được nâng cao; nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã ghi nhận và đánh giá cao chất lượng đào tạo cũng như khả năng Tiếng Anh của sinh viên ĐHCNHN.
Một số hình ảnh của Hội thảo:
Quang cảnh tại Lễ Khai mạc Hội thảo
Chuyên gia Anh quốc Phillip Warwick trình bày báo cáo tại phiên song song
Các chuyên gia, giảng viên tham gia phiên song song
Các chuyên gia, diễn giả chụp ảnh tại Lễ Bế mạc Hội thảo Quốc tế VietTESOL 2018
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội