Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất tấm trang trí 3D từ gỗ rừng trồng
Sáng ngày 5/5/2020, Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp cơ sở đã tổ chức nghiệm thu đề tài Nghiên cứu khoa học cấp thành phố Hà Nội: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất tấm trang trí 3D từ gỗ rừng trồng”, do PGS.TS Hoàng Tiến Dũng - Phó Trưởng khoa Cơ khí Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ nhiệm.
Tấm 3D là một vật liệu trang trí mới, chất lượng cao, nghệ thuật, bền và thân thiện với môi trường dùng cho trang trí tường nội thất. Lĩnh vực sử dụng tấm gỗ trang trí 3D là xu hướng mới trong thiết kế nội thất gỗ và trang trí nội thất gỗ, phát triển mạnh mẽ ở Châu Âu: Đức, Pháp, Ý, Hà Lan… Các chi tiết trang trí gỗ 3D sẽ rất tốt trong bất kỳ phong cách nội thất và không trượt, không giống như gạch.
Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đề tài NCKH TP Hà Nội: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất tấm trang trí 3D từ gỗ rừng trồng” do PGS.TS. Hoàng Tiến Dũng - Phó trưởng khoa Cơ khí Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ nhiệm.
Do vậy việc tìm hiểu về gỗ trang trí 3D và lĩnh vực ứng dụng của vật liệu này làm cơ sở cho việc định hướng nghiên cứu phát triển loại hình vật liệu gỗ 3D có ý nghĩa hết sức quan trọng, đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất tấm trang trí 3D từ gỗ rừng trồng” đã đạt được mục tiêu, nội dung và kết quả đề ra.
Đề tài đã giải quyết được 3 mục tiêu cơ bản đặt ra:
- Xác lập được công nghệ sản xuất tấm gỗ 3D trang trí nội thất từ gỗ rừng trồng.
- Xây dựng mô hình công nghệ và thiết bị xử lý, sản xuất tấm gỗ trang trí 3D quy mô phù hợp với làng nghề (300m3/ năm)
- Chuyển giao công nghệ cho các làng nghề, doanh nghiệp chế biến gỗ ở Hà Nội.
PGS.TS. Hoàng Tiến Dũng - Chủ nhiệm đề tài trình bày trước Hội đồng nghiệm thu
Sau thời gian thực hiện kế hoạch nghiên cứu đề ra, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành mục tiêu, nội dung đề ra và có một số kết luận như sau:
- Đã tổng quan tình hình sử dụng và sản xuất gỗ trang trí 3D ở trên thế giới và trong nước. Kết quả nghiên cứu tổng quan là cơ sở cho nghiên cứu thực nghiệm tạo gỗ trang trí 3D từ gỗ rừng trồng.
- Xác định một số đặc điểm cấu tạo, tính chất công nghệ, tính chất cơ lý chủ yếu của 4 loại gỗ rừng trồng: Quế, Keo, Thông, Tếch làm cơ sở cho gia công và sử dụng làm tấm trang trí 3D.
- Thiết kế các mô đun gỗ trang trí 3D với các loại chi tiết gỗ có hình dạng khác nhau dùng trong trang trí nội thất từ 4 loại gỗ rừng trồng: Quế, Keo,Thông, Tếch.
- Xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở gỗ trang trí 3D có hình dạng khác nhau dùng trong sản xuất tấm trang trí 3D dùng trong nội thất.
- Thiết kế và chế tạo thành công máy gia công profile gỗ đa năng tạo chi tiết gỗ 3D trang trí.
- Tạo thử nghiệm 5 loại mô đun trang trí gỗ 3D, mỗi loại 5m2 có hình dạng vuông, chữ nhật, tam giác, lục giác, thanh ngắn từ 4 loại gỗ Quế, Keo, Thông, Tếch; Tấm trang trí 3D có diện tích 10m2 từ gỗ Tếch và gỗ Quế.
- Tổ chức Hội thảo, tập huấn chuyển giao công nghệ cho người dân làng nghề, doanh nghiệp có liên quan về công nghệ sản xuất gỗ trang trí 3D.
Sản phẩm bản vẽ lắp ghép máy và hình ảnh máy gia công profile gỗ đa năng thực tế nhóm nghiên cứu đã chế tạo
Sản phẩm tấm gỗ trang trí 3D dùng trong nội thất từ các loại gỗ rừng trồng Việt Nam được nhóm nghiên cứu sản xuất giới thiệu trong buổi nghiệm thu
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu đã đạt được của đề tài này, nhóm tác giả cũng kiến nghị Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho phép và tạo điều kiện về kinh phí cho nhóm nghiên cứu được thực hiện bước tiếp theo dưới dạng Dự án sản xuất thử nghiệm với mục tiêu hoàn thiện về công nghệ và thiết bị sản xuất tấm gỗ trang trí 3D dùng trong nội thất từ các loại gỗ rừng trồng Việt Nam.
PGS.TS. Vũ Liêm Chính - Nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng - Chủ tịch hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở nhận xét trước hội đồng
Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành đầy đủ các nội dung nghiên cứu và mục tiêu đặt ra của đề tài. Hội đồng đã thống nhất nghiệm thu Đề tài cấp cơ sở và đề nghị nhóm nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện kết quả đề tài trước khi tiến hành nghiệm thu cấp Thành phố.
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội