Hội nghị Khoa học HaUI lần thứ VI
Sáng ngày 25/11/2022, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức Hội nghị Khoa học HaUI lần thứ VI. Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 200 nhà khoa học trong và ngoài trường.
Tham dự Hội nghị có PGS.TS.Trần Đức Quý -Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng nhà trường; PGS.TS.Lê Hồng Quân – Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường; Ban Giám hiệu; Trưởng, Phó các khoa, trung tâm đào tạo; đại diện một số đơn vị trong trường; thành viên các Ban chuyên môn và các nhà khoa học. Đặc biệt, Hội nghị có sự tham dự của GS.TS.Nguyễn Thanh Thủy - Phó chủ nhiệm Chương trình KHCN trọng điểm quốc gia KC-4.0.
Phiên toàn thể Hội nghị Khoa học HaUI lần thứ VI
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS.Trần Đức Quý - Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: Hoạt động Khoa học Công nghệ (KHCN) là chỉ số quan trọng trong giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần khẳng định vị thế, thứ hạng của các cơ sở giáo dục đại học. Đại học Công nghiệp Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về Khoa học công nghệ cả về chất lượng và số lượng nghiên cứu, đặc biệt đã có bước chuyển biến mạnh mẽ trong quản trị và chuyển đổi số toàn diện.
PGS.TS.Trần Đức Quý tin tưởng rằng, từ Hội nghị này, cán bộ, giảng viên, nhà khoa học sẽ tìm thấy nhiều ý tưởng mới, xây dựng các mối quan hệ hợp tác giữa các nhà khoa học, các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp để có thể tạo ra các giải pháp công nghệ mới.
PGS.TS.Trần Đức Quý - Hiệu trưởng nhà trường phát biểu khai mạc Hội nghị
Hội nghị lần này đã thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo các nhà khoa học với 132 bài báo của 278 tác giả (235 tác giả trong trường và 43 tác giả ngoài trường) gửi về cho ban tổ chức. Trải qua quá trình phản biện nghiêm túc, Hội nghị đã thông qua 99 báo cáo, tham luận với tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của các diễn giả. Các báo cáo, tham luận phản ánh sự đa dạng của hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, kinh tế và ngôn ngữ.
Một số lĩnh vực có số lượng bài báo khoa học đăng ký tham gia nhiều như Công nghệ Ô tô (18 bài), Quản lý kinh doanh (14 bài), Kế toán Kiểm toán (13 bài), Công nghệ Hóa (13 bài), Ngoại ngữ (11 bài)…
GS.TS.Nguyễn Thanh Thủy trình bày báo cáo “Chuyển đổi số trong quản trị đại học”
Điểm nhấn của Hội nghị là báo cáo “Chuyển đổi số trong quản trị đại học” của GS.TS.Nguyễn Thanh Thủy. Theo Giáo sư Thủy: Các trường đại học có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu phục vụ quá trình chuyển đổi số. Để thành công, các trường đại học trước hết phải chuyển đổi số trong quản trị đại học. Quản trị đại học là cách thức tổ chức hoạt động của trường đại học, cơ chế và quá trình ra những quyết định có thẩm quyền tác động đến những vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong nội bộ trường đại học cũng như đối với bên ngoài.
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của các cá nhân và tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất trên môi trường số với các công nghệ số. Chuyển đổi số không chỉ tạo ra dữ liệu, mà phải sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi tổng thể và toàn diện cách sống, cách làm việc, phương thức hoạt động (sản xuất, học tập, …) của cá nhân, tổ chức. Các yếu tố cốt lõi của chuyển đổi số gồm: Quản trị và quản lý dựa trên dữ liệu lớn; Học liệu và môi trường học tập số; Nguồn nhân lực cho chuyển đổi số.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các trường đại học tại Việt Nam đã nắm bắt và chuyển đổi số đạt được những kết quả nhất định. Một số trường đã xây dựng mô hình đại học điện tử tiên tiến phục vụ cho các hoạt động bên trong nhà trường; đã thể hiện rõ ở một số trường: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Đại học Thủy lợi và Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Hệ thống đại học điện tử tại Đại học Công nghiệp Hà Nội thực hiện chức năng quản trị toàn diện hoạt động của nhà trường: cơ sở vật chất, tài chính tài sản, nhân sự, các hoạt động đào tạo, nghiên cứu hợp tác, hoạt động quản lý sinh viện, hoạt động giáo dục quốc phòng an ninh… Phương thức quản trị hiện đại với các giải pháp thông minh, hỗ trợ ra quyết định nhằm giải quyết các bài toán khó trong đào tạo, xử lý yêu cầu của sinh viên; ứng dụng trí tuệ nhân tạo và xử lý dữ liệu lớn.
Đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm
Sau phiên toàn thể, Hội nghị đã chia thành 8 ban chuyên môn thuộc 11 lĩnh vực: Cơ khí, Ô tô, Điện, Điện tử, Công nghệ Thông tin, Kế toán Kiểm toán, Quản lý Kinh doanh, Công nghệ Hóa, Công nghệ May & Thiết kế thời trang, Du lịch và Ngoại ngữ. Đánh giá chung từ hội đồng chuyên môn, các báo cáo tham dự Hội nghị năm nay có chất lượng tốt, tính khả thi cao và có khả năng phát triển, nghiên cứu cao hơn.
Báo cáo “Nghiên cứu ảnh hưởng của một số thông số công nghệ đến chiều sâu cắt lớn nhất khi gia công bằng tia nước áp suất cao trộn hạt mài kiểu không áp” của giảng viên Trần Quốc Hùng - khoa Cơ khí, ĐHCNHN
Báo cáo “Nghiên cứu ảnh hưởng của hàm lượng hidrotalxit đến cấu trúc và đặc trưng tính chất vật liệu compozit PVC/hiđrotanxit” của nhóm giảng viên khoa Công nghệ Hóa, ĐHCNHN và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam
Báo cáo “Động cơ và kỹ thuật vận dụng các phương pháp kế toán của nhà quản lý khi thực hiện quản trị lợi nhuận ở các doanh nghiệp niêm yết” của nhóm giảng viên khoa Kế toán Kiểm toán, ĐHCNHN
Báo cáo “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội trong bối cảnh kinh tế số” của nhóm giảng viên khoa Quản lý Kinh doanh, ĐHCNHN
Báo cáo “Một bộ định búp sóng hiệu quả cho mảng hình chữ nhật cách đều” của nhóm giảng viên khoa Điện tử, ĐHCNHN
Báo cáo “Về một thuật toán tìm tập rút gọn trên bảng quyết định đầy đủ theo tiếp cận tập thô mờ trực cảm” của nhóm tác giả Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và Công ty cổ phần Công nghệ ASMTECHG
Báo cáo “Hướng xây dựng các học phần giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh theo hình thức học kết hợp tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội” của GV Hồ Thị Bạch Mai - Trường Ngoại ngữ - Du lịch, ĐHCNHN
Báo cáo “Ứng dụng nghệ thuật tạo hình tranh Đông Hồ vào thiết kế trang phục hiện đại” của nhóm giảng viên khoa CN May & TKTT, ĐHCNHN
Báo cáo “Nghiên cứu sự ảnh hưởng của số vòng dây cuộn cảm đến cảm ứng từ và năng lượng từ trường có ích của vòi phun điện từ” của nhóm giảng viên khoa Công nghệ Ô tô, ĐHCNHN
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội