Làm rõ cơ chế tài chính cho cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ
Ngày 18/6, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn, Trưởng Tiểu ban Giáo dục đại học, chủ trì Toạ đàm trực tuyến “Cơ chế tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ”.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì toạ đàm
Một số vấn đề cấp bách
Theo đề nghị của Thứ trưởng, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về một số cơ chế, chính sách then chốt trong tài chính giáo dục đại học (GDĐH) đối với các trường ĐH thực hiện tự chủ.
Trong đó, xoay quanh những vấn đề cấp bách như cơ chế đặt hàng (bao gồm cả đặt hàng đào tạo sư phạm); cơ chế tài chính hỗ trợ người học; công khai, minh bạch tài chính trong các cơ sở GDĐH. Các cơ sở GDĐH cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm qua thực tiễn thí điểm, triển khai, với mong muốn không chỉ từng cơ sở phát triển tốt mà lan toả tích cực toàn hệ thống.
Toạ đàm đã lắng nghe ba báo cáo tham luận, với các chủ đề: “Đổi mới chính sách tài chính hỗ trợ người học trong thực hiện tự chủ tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội” (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội); “Công khai, minh bạch tài chính trong các cơ sở GDĐH công lập tại Việt Nam” (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân); “Cơ chế đặt hàng trong đào tạo ngành sư phạm” (Trường ĐH Sư phạm TP HCM).
Theo PGS.TS Đinh Văn Hải, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, việc xác định mức thu học phí căn cứ vào định mức kinh tế - kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo là một công việc khó khăn. Do đó, nhà trường đã tập trung xây dựng một chính sách xác định học phí khoa học và tường minh. Nhà trường cũng công bố rộng rãi chính sách và dự kiến học phí giai đoạn 2021-2025 của tất cả các ngành đào tạo. Nhờ đó, trong năm 2020, trường đã thu được các phản hồi tích cực của xã hội, giúp cho công tác tuyển sinh năm 2019-2020 đạt kết quả tốt.
Chia sẻ cụ thể về chính sách hỗ trợ người học, đại diện Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định: “Nhà trường tìm mọi giải pháp để sử dụng nguồn kinh phí học phí nhằm cải thiện các điều kiện học tập cho người học một cách có hiệu quả nhất”.
Về phía Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, PGS.TS Vũ Cương cho rằng, công khai là điều kiện đảm bảo minh bạch tài chính. Cơ sở pháp lý về công khai, minh bạch tài chính ở các cơ sở GDĐH hiện tương đối đầy đủ, các trường nhận thức được sự cần thiết. Tuy nhiên, các yêu cầu nằm trong nhiều văn bản nên khó theo dõi, giám sát, hạn chế khả năng tiếp cận của công chúng. Bên cạnh đó, các trường chú trọng đến công khai, minh bạch trong nội bộ nhiều hơn là bên ngoài; một số trường còn e ngại.
Để sớm triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP về đặt hàng đào tạo giáo viên và đảm bảo ý nghĩa trong bối cảnh mới, GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM nhận định, cần xem xét và giải quyết thấu đáo các vấn đề liên quan đến xây dựng chiến lược phát triển của trường sư phạm; tính toán chỉ tiêu, cơ chế đấu thầu và giá dịch vụ; bồi hoàn kinh phí; sự tham gia của doanh nghiệp,…
Toạ đàm cũng ghi nhận nhiều ý kiến thảo luận của đại diện các cơ sở GDĐH, các chuyên gia và đại diện bộ, ban ngành. Theo đó, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT Lê Trường Tùng đề nghị Bộ GDĐT ban hành thông tư yêu cầu các trường báo cáo thường niên.
Mặt bằng kinh tế của Việt Nam chênh lệch cao, trong khi đa số sinh viên ở nông thôn, vì vậy, theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM, cơ chế học bổng, hỗ trợ học tập cần lưu ý để không bị cào bằng.
Giám đốc ĐH Thái Nguyên, GS.TS Phạm Hồng Quang đề xuất cần có chính sách tổng thể để đảm bảo công bằng trong tiếp cận GDĐH. Ngoài học phí, học bổng, các trường cần cơ sở pháp lý thuận lợi để giải quyết việc sử dụng cơ sở vật chất, xã hội hoá tiềm lực, nguồn lực mạnh mẽ hơn.
Về đặt hàng đào tạo giáo viên, theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, rất cần một đầu mối, đại diện điều phối, điều tiết, đảm bảo hiệu quả. Cơ chế học phí phải tường minh, đồng thời, muốn tạo đột phá phải tính đúng, tính đủ.
Cần gia tăng và sử dụng các nguồn lực hiệu quả nhất
Đại diện Bộ Tài chính thảo luận tại Tọa đàm khẳng định những nội dung đặt ra hết sức cấp bách, xuất phát từ thực tiễn. Quá trình hoàn thiện chính sách cho tự chủ đại học đang và sẽ lồng ghép để tháo gỡ những vướng mắc trong giai đoạn vừa qua và phương hướng cho giai đoạn tiếp theo; đồng thời, tạo hành lang pháp lý cho tạo nguồn, trong đó có tạo nguồn khoa học công nghệ.
Ông Đoàn Ngọc Xuân nhấn mạnh, cởi trói trong tự chủ là không can thiệp sâu, nhưng phải tuân thủ những vấn đề hoạch định vĩ mô và khuôn khổ pháp luật. Tuy nhiên, hiện chưa có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, theo đó, các trường hoạt động tự chủ (như doanh nghiệp) phải chịu toàn bộ trách nhiệm về vốn, đầu vào, đầu ra trước thị trường, trước Nhà nước.Chia sẻ với những đề xuất, trăn trở của đại diện các cơ sở đào tạo về cơ chế tài chính, ông Đoàn Ngọc Xuân, Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, đây là vấn đề tác động rất lớn đến xã hội.
Khẳng định Đảng và Chính phủ rất mong muốn một sự cởi mở, sự phát triển, thấy tiềm năng cũng như thấy nhiệm vụ của mình, ông Đoàn Ngọc Xuân khuyến nghị: Tự chủ đại học, bản chất là tự chủ trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, vì vậy, rất cần một hệ thống pháp luật đồng bộ. Thứ hai, cần nghiên cứu Luật về cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, nhằm đảm bảo trách nhiệm của các bên liên quan.
Chủ trì toạ đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, hai vấn đề được coi là trụ cột của tự chủ đại học là: Quản trị đại học, quản lý Nhà nước và Tài chính cho GDĐH. Trong quá trình đổi mới, GDĐH chuyển từ cơ chế tập trung, bao cấp sang phân tán rồi tự chủ đứng trước những thách thức lớn. Riêng tài chính là vấn đề rộng, liên quan đến cơ chế chính sách nhà nước và những vấn đề thuộc về phía nhà trường.
Các đại biểu thống nhất, muốn nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, rõ ràng phải tăng đầu tư cho giáo dục nói chung và GDĐH nói riêng, tăng chi phí cho từng sinh viên.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh các từ khoá: Chất lượng, hiệu quả và công bằng; kèm theo công bằng là điều kiện công khai, minh bạch. Trong bối cảnh ngân sách có hạn, Thứ trưởng lưu ý, tăng đầu tư cho giáo dục bao gồm cả cơ chế chính sách tăng đầu tư tài chính; cơ chế chính sách tạo động lực đẩy mạnh nguồn lực xã hội hoá; sử dụng ngân sách cùng các nguồn lực đạt hiệu quả cao nhất và đảm bảo công bằng.
Phát huy vai trò tự chủ, các cơ sở GDĐH cần xây dựng văn bản chính sách nội bộ để sử dụng các nguồn lực hiệu quả, trên cơ sở công bằng, minh bạch, công khai. Trong đó, lưu ý cơ chế về hỗ trợ học tập, hỗ trợ vay vốn, tại công ăn việc làm,... để các em sinh viên hoàn cảnh khó khăn có cơ hội học tập; tạo ra lợi ích lâu dài cho xã hội.
Cũng theo Thứ trưởng, cần phân rõ trách nhiệm đầu tư giữa các bên: Nhà nước, người học và xã hội theo tư duy thị trường và quan hệ lợi ích, giá trị mang lại.
Tới đây, Bộ GDĐT sẽ có đề xuất kiến nghị để các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm, từng bước hoàn chỉnh cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật nhằm huy động nhiều nguồn lực xã hội, phân cấp và trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH sử dụng kinh phí hiệu quả, phù hợp với đa dạng của các trường.
Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Thứ Ba, 14:22 22/06/2021
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội