Quản trị Nhà hàng và Dịch vụ ăn uống - Lựa chọn "HOT" dành cho các bạn GEN Z
Quản trị Nhà hàng và Dịch vụ ăn uống (Mã ngành 7810202), thuộc khối ngành Du lịch, Khách sạn, Nhà hàng, Dịch vụ cá nhân - được mệnh danh là ngành “công nghiệp không khói” đang thu hút lượng lớn nguồn nhân lực. Trong những năm gần đây, khối ngành này thường rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao - có năng lực, bằng cấp chuyên môn được đào tạo bài bản, có khả năng sử dụng ngoại ngữ, năng lực quản trị và thuần thục kỹ năng nghề nghiệp.
Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 của Chính phủ đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, dự kiến, tổng thu từ khách du lịch đạt từ 3.100 - 3.200 nghìn tỷ đồng (tương đương từ 130 - 135 tỷ USD), đóng góp trực tiếp vào GDP đạt từ 15 - 17%. Các nhà nghiên cứu kinh tế cũng chỉ ra chi phí cho thức ăn, đồ uống trong tổng chi phí của chuyến du lịch chiếm khoảng 20% và khi GDP tăng 1% thì doanh thu của ngành dịch vụ phục vụ đồ ăn, đồ uống tăng thêm 1,5%. Các nghiên cứu này cho thấy qui mô và sự phát triển của ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống trong giai đoạn tới.
Mặt khác, theo Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia về thị trường lao động, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo Kinh tế quốc tế, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM dự báo trong giai đoạn 2022 - 2030 nhu cầu nhân lực nhóm ngành du lịch - khách sạn – nhà hàng - dịch vụ chiếm tỷ trọng 8% trong tổng số nhu cầu nhân lực, cụ thể theo số liệu của Tổng cục Du lịch tháng 12.2021, nhóm ngành sẽ tạo ra ít nhất 3 triệu cơ hội việc làm cho người lao động và nhu cầu tuyển dụng mới đối với riêng ngành nhà hàng, dịch vụ ăn uống là khoảng 40.000 lao động/năm.
Năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp, nhưng theo số liệu công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đăng ký xét tuyển đại học- cao đẳng đã có 199.166 nguyện vọng đăng ký vào nhóm ngành du lịch - khách sạn – nhà hàng - dịch vụ trong đó có 48.334 thí sinh lựa chọn nguyện vọng. Tuy nhiên với số lượng khoảng 20.000 sinh viên ra trường mỗi năm hiện nay chưa đủ để đáp ứng 50% nhu cầu nhân lực mới hàng năm của ngành.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội ký biên bản ghi nhớ hợp tác với các khách sạn và công ty du lịch, mở ra cơ hội rất rộng mở cho sinh viên theo học nhóm ngành Du lịch, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ.
Với thế mạnh và nhiều năm kinh nghiệm đào tạo các ngành thuộc nhóm ngành du lịch - khách sạn – nhà hàng - dịch vụ, Khoa Quản trị nhà hàng – khách sạn, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đang từng bước khẳng định thương hiệu trong đào tạo ngành Quản trị Nhà hàng và Dịch vụ ăn uống.
1. Mục tiêu đào tạo
Chương trình đào tạo cử nhân ngành Quản trị Nhà hàng và Dịch vụ ăn uống có sự kết hợp chặt chẽ giữa kiến thức lý thuyết và hoạt động thực hành, thực tế tại các doanh nghiệp trong ngành, người học khi tốt nghiệp đảm bảo đạt chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm. Cụ thể:
- Về kiến thức: Có kiến thức khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, công nghệ thông tin đáp ứng cho việc tiếp thu các kiến thức cơ sở của ngành đào tạo và khả năng học tập ở trình độ cao hơn; có kiến thức cơ bản về kinh tế - xã hội và quản trị kinh doanh, kiến thức chuyên sâu về quản trị doanh nghiệp nhà hàng và dịch vụ ăn uống. Trên cơ sở đó, người học có khả năng khởi nghiệp và phát triển bản thân trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng và dịch vụ ăn uống mang tính cạnh tranh và hội nhập toàn cầu, đóng góp vào sự phát triển bền vững của môi trường và xã hội.
- Kỹ năng: Người học được trang bị những kỹ năng cần thiết để tổ chức, quản lý nhà hàng và các cơ sở dịch vụ ăn uống trong môi trường cạnh tranh và hội nhập toàn cầu. Đồng thời người học làm chủ các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp đa phương tiện - đa ngôn ngữ, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tư duy sáng tạo...nhằm phát triển bản thân, thăng tiến trong sự nghiệp và đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng và xã hội.
2. Vị trí việc làm phù hợp
Sau khi tốt nghiệp, người học có thể đảm nhận các vị trí công tác sau:
- Nhân viên; Tư vấn viên tổ chức và điều hành sự kiện ẩm thực trong các nhà hàng - khách sạn;
-Trưởng nhóm phục vụ; Giám sát; Quản lý tại khách sạn, cửa hàng đồ ăn nhanh, trung tâm hội nghị, nhà hàng tiệc cưới, khu vui chơi giải trí có cung cấp dịch vụ ẩm thực hoặc các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng và dịch vụ ăn uống trong nước và quốc tế.
- Giảng viên; Nghiên cứu viên tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở nghiên cứu liên quan tới các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, du lịch, văn hóa.
- Chuyên viên; Cán bộ quản lý tại các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, du lịch, văn hóa.
- Nhà sáng lập; Nhà đầu tư các dự án khởi nghiệp, các cơ sở kinh doanh nhà hàng và dịch vụ ăn uống.
3. Đối tượng người học phù hợp với ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống
- Đam mê, yêu thích khối ngành dịch vụ, du lịch, khách sạn, nhà hàng;
- Yêu thích môi trường làm việc năng động, môi trường dịch vụ chuyên nghiệp, đạt chuẩn quốc tế;
- Có sức khỏe, kỹ năng quan sát và khả năng kiểm soát cảm xúc tốt;
- Mong muốn có khả năng giao tiếp tốt, kỹ năng ứng xử văn minh đặc biệt trong môi trường dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn;
- Linh hoạt trong công việc và trong xử lý các tình huống.
- Có tinh thần, thái độ sẵn lòng phục vụ.
4. Quyền lợi của người học ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
- Được đào tạo kiến thức với đa dạng các hình thức học tập: lý thuyết; thực hành; tham quan và trải nghiệm thực tế tại các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, khách sạn, resort đạt chuẩn dịch vụ, thực tập nghề nghiệp,…
- 100% sinh viên có cơ hội thực tập thực tế tại các đơn vị kinh doanh đạt tiêu chuẩn 4 – 5 sao trong lĩnh vực Nhà hàng – Khách sạn trong nước và quốc tế.
- Được hỗ trợ giới thiệu nơi thực tập và làm việc khi đang học và sau khi tốt nghiệp.
- Được trang bị đầy đủ các kiến thức khối ngành, kiến thức cơ sở ngành giúp sinh viên dễ dàng học lên thạc sĩ hoặc học thêm các chứng chỉ khác để hoạt động nghề nghiệp đa dạng trong các ngành thuộc khối ngành du lịch, dịch vụ cá nhân như: quản trị khách sạn, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, du lịch, dinh dưỡng và ẩm thực…
Sinh viên Khoa Quản trị Nhà hàng – Khách sạn tham gia học tập lí thuyết kết hợp thực tế trong học phần Tham quan các mô hình lưu trú và kinh doanh nhà hàng.
Sinh viên Khoa Quản trị Nhà hàng – Khách sạn tham gia thực tập tại Nhật Bản
- Được học thực hành tại cơ sở thực hành đạt chuẩn, cùng đội ngũ giảng viên chuyên ngành là chuyên gia trong lĩnh vực ẩm thực, du lịch, nhà hàng và dịch vụ ăn uống,…
Bài thi học phần Pha chế đồ uống thực hiện trực tiếp tại khu thực hành của sinh viên Khoa Quản trị Nhà hàng – Khách sạn
- Được hưởng các chế độ ưu đãi dành cho người học theo quy chế của Trường Đại học công lập.
- Được tạo điều kiện và hỗ trợ vay vốn học tập.
- Được tham gia các hoạt động, sự kiện sôi nổi của Khoa, của Trường, các câu lạc bộ học thuật như: Câu lạc bộ lễ tân; Câu lạc bộ truyền thông và sự kiện; Câu lạc bộ nghệ thuật; Câu lạc bộ học thuật…
Các bạn sinh viên Câu lạc bộ lễ tân tham gia sự kiện của Nhà trường.
Một số hình ảnh về các hoạt động Đoàn – Hội sôi nổi của các bạn sinh viên Khoa Quản trị Nhà hàng – Khách sạn.
Thứ Sáu, 13:21 15/04/2022
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội