Suy nghĩ về phát triển văn hóa đọc trong sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
ThS.Nguyễn Minh Tân
Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Thư viện
Sinh viên và văn hóa đọc
Ngày nay, với sự bùng nổ của công nghệ, chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng để tìm kiếm thông tin thì sinh viên có rất nhiều thuận lợi khi có một công cụ hữu ích hỗ trợ, đó là mạng Internet. Dường như mọi vấn đề cần tìm kiếm đều có thể tiếp cận một cách dễ dàng. Nhiều người, nhất là lớp trẻ đang dần quên đi thói quen đọc sách truyền thống. Đây là vấn đề đặt ra cho chúng ta phải suy nghĩ, cần quan tâm để phát triển hiệu quả văn hóa đọc, nhất là đối với sinh viên.
Có một hình ảnh thường thấy là những người phương Tây khi đi du lịch hay di chuyển trên các phương tiện công cộng là họ thường mang theo một quyển sách để đọc. Hay các chính trị gia như tổng thống Bill Clinton, Obama rồi đến các doanh nhân nổi tiếng như Bill Gate, Mark Zuckerberg,… đều đọc sách như là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Rồi hình ảnh thanh niên ngồi suy tư bên những trang sách trong những thư viện không phải là quá hiếm. Câu hỏi đặt ra là: ở những nước phương Tây phát triển họ có sử dụng Internet để tìm kiếm thông tin hay không? Chắc chắn là có. Nhưng họ vẫn yêu sách, vẫn đọc sách hàng ngày.
Có nhiều quan điểm cho rằng: Sinh viên đến với trường đại học không chỉ để tìm kiếm một cái nghề mà còn để tìm thấy chính mình. Và để tìm thấy chính mình các bạn trẻ rất cần tri thức, chân lý không chỉ trong những bài học, chương trình đào tạo mà cần nghiên cứu sâu hơn, rộng hơn, không chỉ tìm kiếm thông tin trên mạng Internet mà còn phải tìm hiểu từ những cuốn sách đúc kết từ nhân loại.
Ông Giản Tư Trung, CEO của tổ hợp giáo dục PACE cho rằng: có 3 cấp độ của người sinh viên khi đến với trường đại học. Cấp độ thứ nhất là sinh viên đến với đại học để kiếm một cái bằng. Ở cấp độ này, người sinh viên chỉ cần học làm sao để vượt qua các kỳ thi là có thể có được cái bằng. Cấp độ thứ hai là người sinh viên không những có được cái bằng mà có một cái nghề. Tức là ngoài việc vượt qua được các kỳ thi thì người sinh viên phải lĩnh hội được các kiến thức được truyền đạt, biến những kiến thức đó thành kiến thức của chính mình.
Không những thế cần phải thực hành để biến những kiến thức đó thành kỹ năng nghề nghiệp để có thể vững tâm hành nghề sau khi ra trường. Ở cấp độ thứ ba cao hơn là người sinh viên phải có một cái tầm. Để đạt được cấp độ đó thì người sinh viên phải đam mê nghiên cứu, trong đó cần duy trì thói quen đọc sách. Từ đó sẽ giúp sinh viên không chỉ có kiến thức chuyên môn mà còn có kiến thức về văn hóa, về thực tiễn cuộc sống và các bạn sẽ vững bước đi trên con đường khai phóng với tầm nhìn rộng mở.
Một buổi chia sẻ sách của CLB Sách và Hành động tại thư viện nhà trường
Câu lạc bộ Sách và Hành động
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã hình thành và phát triển một câu lạc bộ khá đặc biệt, đó là CLB Sách và Hành động (BAH). Câu lạc bộ BAH đã hoạt động thường xuyên nhiều năm nay và hình thành được một tủ sách với nhiều thể loại khác nhau. Tủ sách được đặt tại tầng 1 thư viện khu A của nhà trường. Các bạn trong CLB thay phiên nhau trực tủ sách để giới thiệu và cho mượn miễn phí các cuốn sách hay. Nhiều bạn sinh viên đã được tiếp cận với những cuốn sách bổ ích thông qua hoạt động âm thầm và bền bỉ của các thành viên BAH.
Song song với đó, BAH còn tổ chức được nhiều hoạt động khác nhau để tăng khả năng lan tỏa sách tới đông đảo sinh viên. Cuộc thi Âm vang của sách đã thu hút được nhiều bạn tham gia; nhiều giọng đọc của các bạn sinh viên về những cuốn sách hay vô cùng thú vị. Hay những hoạt động đổi giấy lấy cây xanh đã giúp truyền đi thông điệp về bảo vệ môi trường rất hữu ích.
Buổi nói chuyện chuyên đề về đọc sách
Cuộc thi Trải nghiệm đọc sách và sáng kiến thư viện
Nhận thức rõ được vai trò, ý nghĩa của sách và đọc sách, Thư viện HaUI đã có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy hoạt động đọc sách của sinh viên. Đặc biệt buổi nói chuyện với chủ đề “Đọc sách và sự thành công trong nghề nghiệp” do diễn giả Nguyễn Quốc Vương trình bày đã rất thành công, thu hút hơn 500 sinh viên tham gia.
Tại diễn đàn về sách và đọc sách, Thư viện đã phát động cuộc thi viết về thư viện với chủ đề “Trải nghiệm đọc sách và sáng kiến thư viện”. Cuộc thi đã thu hút được đông đảo sinh viên tham gia. Nhiều bài viết hay về những trải nghiệm cá nhân của các bạn sinh viên trong hoạt động đọc sách, nhiều sáng kiến hữu ích đóng góp cho hoạt động của thư viện đã được đề xuất. Ban Giám khảo đã lựa chọn được 44 bài viết tốt để trao giải gồm: 05 giải Nhất, 10 giải Nhì, 15 giải Ba và 14 giải Khuyến khích.
TS. Nguyễn Văn Thiện - Phó Hiệu trưởng nhà trường trao giải cho các thí sinh đạt giải Nhất
Một số giải pháp
Để hoạt động đọc sách của sinh viên nhà trường được phát triển một cách bền vững cần có những giải pháp nâng cao văn hóa đọc trong nhà trường:
Thứ nhất: Thư viện trang bị nhiều sách có giá trị ở nhiều thể loại, đặc biệt các sách về kỹ năng, âm nhạc, hội họa, văn học, nghệ thuật,… để giúp sinh viên có góc nhìn sâu hơn về văn hóa, xã hội; cần tạo ra không gian đẹp về kiến trúc, cảnh quan hấp dẫn để tạo cảm hứng cho bạn đọc.
Thứ hai: Tổ chức nhiều hoạt động về sách với những hình thức thiết thực và sinh động để tránh nhàm chán, thu hút được đông đảo các bạn sinh viên tham gia.
Thứ ba: Xây dựng và phát triển các câu lạc bộ đọc sách ở các đơn vị đào tạo trong nhà trường để tạo các hạt nhân, từ đó lan tỏa tới các bạn sinh viên.
Thứ tư: Các giảng viên sẽ là người truyền cảm hứng đọc sách cho các bạn sinh viên.
HaUI sẽ lan tỏa giá trị tốt đẹp của Sách và văn hóa đọc trong toàn trường đặc biệt là sinh viên, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, phát huy những giá trị đạo đức, truyền thống hiếu học của dân tộc.
Thứ Ba, 09:20 18/04/2023
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội