Ngày 16/09/2017 Khoa công nghệ ô tô tổ chức buổi hội thảo giới thiệu về các thiết bị thí nghiệm động lực học và công nghệ ô tô hiện đại. Tới dự buổi hội thảo có các đồng chí cán bộ giáo viên và sinh viên trong khoa công nghệ ô tô cùng với sự có mặt của ông Tim Roger chuyên gia người đức đến từ công ty AB Dynamic.
Ngày nay, các công nghệ xe đang phát triển không ngừng nhằm nâng cao tính tiện nghi, an toàn, tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ môi trường. Do đó, các công nghệ mới như xe không người lái, xe điện và xe lai Hybrid đang được các công ty hàng đầu về ô tô nghiên cứu và phát triển. Thêm nữa, nhằm nâng cao tính năng an toàn chủ động và tiện nghi cho xe các hệ thống điều khiển động lực học thông minh ra đời và ngày càng hoàn thiện. Trong đó, nhóm hệ thống điều khiển ổn định bao gồm: Hệ thống chống bó cứng khi phanh (ABS), hệ thống kiểm soát lực bám (TSC) và hệ thống cân bằng thân xe điện tử (ESC). Và nhóm hệ thống kiểm soát hành trình bao gồm: Hệ thống điều khiển tốc độ tự động Cruise Control (ACC), hệ thống cảnh báo va chạm (FCW) và hệ thống phanh khẩn cấp. Các hệ thống điều khiển theo phương ngang gồm: Hệ thống cảnh báo đi trệch làn (LDW), hệ thống hỗ trợ giữ làn (LKA) và hệ thống hộ trợ đỗ xe tự động (PA). Để hoàn thiện và tối ưu hóa tính năng hoạt động của các hệ thống trên thì không thể thiếu các trang thiết bị mô phỏng, thiết kế và thử nghiệm động lực học của xe.
Các thông số cần thiết để nghiên cứu động lực học thân xe là rất nhiều bao gồm: vận tốc dọc; vận tốc ngang; góc và mô men tác dụng lên vô lăng; góc lắc dọc, góc lắc ngang và góc quay quanh trụ đứng của thân xe; gia tốc chuyển động theo các phương x, y, z; độ trượt ngang; áp suất phanh; lực nâng bánh xe dẫn hướng… Bên cạnh đó, điều kiện tiến hành thử nghiệm trong thực tế đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và chi phí. Đôi khi, không thể tiến hành được các bài thí nghiệm do điều kiện thời tiết, đường xá và sân bãi. Để giải quyết các vấn đề trên, các trung tâm nghiên cứu về ô tô hàng đầu trên thế giới đã phát minh và chế tạo ra các hệ thống thử nghiệm động lực học ô tô trong phòng Lab. Hệ thống đó mô phỏng lại quá trình điều khiển xe trên đường; cung cấp các tình huống giao thông giả lập và tính toán các thông số động lực học của xe. Các thông số này được xử lý bằng các phần mềm chuyên dụng từ đó gửi các tín hiệu phản hồi liên tục giúp cho quá trình mô phỏng thử nghiệm sát với thực tế.
Như vậy, quá trình thiết kế kiểm nghiệm một hệ thống mới, từ khi lên ý tưởng thiết kế cho tới khi sản xuất lắp ráp một chiếc xe chạy thử trên đường, được giảm thiểu cả về thời gian và chi phí. Giúp cho sản phẩm mới ngày càng hoàn thiện hơn, chất lượng cao hơn và rút ngắn thời gian thiết kế, thay đổi nhanh các mẫu mã xe đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Buổi hội thảo đã nhận được nhiều các câu hỏi đến từ các thầy giáo và các em sinh viên khoa công nghệ ôtô và những câu hỏi đó đã được giải đáp bởi các chuyên gia của hãng Kisler về hệ thống động lực học. Hi vọng trong thời gian tới Khoa công nghệ ô tô sẽ có nhiều hơn nữa những buổi hội thảo và có được sự chuyển giao công nghệ tự hãng về các hệ thống thử nghiệm động lực học trong phòng thí nghiệm để có thể có những điều kiện tốt nhất về công nghệ phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học tại đơn vị
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội