“Hãy cố khiến nhân viên của bạn cảm thấy hạnh phúc” - đây cũng chính là cốt lõi của triết lý "Hãy chăm sóc những con gà mái" của tỷ phú người Nhật Kazou Inamori.
Tỷ phú người Nhật, ông Kazou Inamori, một doanh nhân, một chuyên gia quản trị và đồng thời cũng là một tu sĩ cho rằng lý luận “mọi hoạt động của công ty đều tập trung sinh lợi cho cổ đông” là hoàn toàn sai – hay nói cách khác là đã lỗi thời. Theo ông Kazou Inamori, thay vì thế “hãy cố khiến nhân viên của bạn cảm thấy hạnh phúc” - đây cũng chính là cốt lõi của triết lý "Hãy chăm sóc những con gà mái" của ông.
Tỷ phú người Nhật, ông Kazou Inamori
Triết lý kinh doanh mà vị tỷ phú 84 tuổi người Nhật Bản này đang theo đuổi trái ngược hoàn toàn với bài học quan trọng nhất mà bất kỳ trường kinh doanh nào trên thế giới vẫn đang giảng dạy. Hầu hết mọi bài học kinh doanh đều chỉ ra rằng, công ty sinh lợi cho cổ đông thì mới được các nhà đầu tư quan tâm. Do vậy, cần tập trung mọi thứ hướng về cổ đông.
Rất nhiều cổ đông khi đầu tư vào doanh nghiệp, đều trông chờ khoản lợi tức hàng năm. Và đây chính là lý do khiến cổ đông cố kiên trì giữ khoản đầu tư của mình. Các doanh nghiệp cũng nắm bắt được tâm lý này, nên luôn cố gắng để tìm cách sinh lợi cho cổ đông, thường xuyên thực hiện các hình thức chi trả cổ tức, chia thưởng... để giữ chân các cổ đông, các nhà đầu tư trung thành.
Đối với ông Kazou Inamori lại khác, trong một lần trả lời phỏng vẫn của Bloomberg, ông nói "Nếu anh muốn có trứng, hãy chăm sóc những con gà mái. Nếu anh bắt nạt hay giết chúng, chúng sẽ chẳng đẻ đâu”. Đây cũng chính là niềm tin cốt lõi giúp ông Kazou Inamori đi đến thành công.
Lãnh đạo công ty cần khiến cho nhân viên hạnh phúc cả về tinh thần và thể chất.
Kazou Inamori đã xây dựng nên công ty điện tử Kyocera, điều hành nhà mạng KDDI Corp. Năm 2010, khi hãng hàng không Japan Airlines đang thua lỗ nặng nề, đứng trước nguy cơ phá sản, ông Kazou Inamori được bổ nhiệm làm CEO Japan Airlines, khi đó ông đã 77 tuổi và chưa hề có kinh nghiệm về hàng không. Nhưng chỉ một năm sau, ông đã khiến hãng bay có lợi nhuận và năm 2012, Japan Airlines quay lại sàn chứng khoán Tokyo. Bí mật đã làm nên những kỳ tích đó, theo ông nằm ở cách thay đổi tâm tính của nhân viên.
Theo ông: “Những lãnh đạo công ty cần khiến cho nhân viên hạnh phúc cả về tinh thần và thể chất. Đó phải là mục đích quan trọng hàng đầu trong công việc của họ chứ không nên là việc cống hiến cho các cổ đông”. Quan điểm này chắc chắn sẽ làm “phật ý” các cổ đông của công ty. Tuy nhiên, nếu nhân viên cảm thấy hạnh phúc, họ sẽ làm việc tốt hơn và lợi nhuận sẽ cải thiện.
Đúng là công ty thuộc về các cổ đông, nhưng hàng trăm, thậm chí hàng nghìn nhân viên cũng là điều sống còn đối với công ty. 'Những con gà mái' nên luôn luôn được khỏe mạnh" - ông nói. Với sự quản lý điều hành của Kazou Inamori, việc ứng dụng triết ký "Hãy chăm sóc những con gà mái" đã thành công, mang lại thành quả không hề nhỏ.
Sự kết hợp giữa việc "chăm sóc sức khỏe" cho gà mái với lợi ích thiết thực của cổ đông
Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp hiện nay đã "mềm mại" hơn trong cách quản lý. Thay vì "chỉ chăm chăm lo lợi ích cho cổ đông" hoặc chỉ lo "chăm sóc sức khỏe" cho những con gà mái, thì các doanh nghiệp hoàn toàn có thể kết hợp tất cả những triết lý này vào quá trình điều hành quản lý công ty. Bí quyết là hãy biến những nhân viên thành chính chủ nhân của công ty, hãy biến những “con gà mái” thành chính cổ đông.
Hiện trên thị trường, rất nhiều doanh nghiệp đã để lại ấn tượng lớn với chính nhân viên khi thường xuyên phát hành lượng lớn cổ phiếu ESOP nhằm tri ân, nhằm giữ chân những nhân viên xác định gắn bó lâu dài, đóng góp lớn cho sự phát triển của công ty. Mục đích của chương trình này là để động viên nhân viên, gắn liền lợi ích của họ với lợi nhuận, thành công của công ty.
Đầu tháng 11 vừa qua thế giới di động đã thông qua hồ sơ phát hành hơn 9 triệu cổ phiếu ESOP bán ưu đãi cho các cán bộ quản lý chủ chốt và nhân viên kinh doanh có đóng góp cho sự tăng trưởng của công ty. Giá trị số cổ phiếu ESOP này tạm tính theo giá thị trường lên đến khoảng 1.000 tỷ đồng.
Số cổ phiếu ESOP mà Masan Group vừa phát hành trong tháng 8 vừa qua cũng có giá trị hơn 400 tỷ đồng. Còn gần 1.000 nhân viên của Masan Consumer (MCH) lại vừa được quyền mua ưu đãi cổ phiếu ESOP bằng mệnh giá, trong khi trên thị trường lức đó giá cổ phiếu này đang xấp xỉ 60.000 đồng/cổ phiếu.
Vẫn "phong trào" phát hành cổ phiếu ESOP nhằm "thưởng" cho thành tích của nhân viên, nhưng không phải để "tri ân" cho hàng ngàn nhân viên, cán bộ chủ chốt của công ty như các doanh nghiệp lớn khác như Thế giới di động, Vinamilk, Masan, FPT hay Masan Consumer… vẫn làm để khích lệ nhân viên tích cực đóng góp và gắn bó với công ty, ô tô Hàng Xanh lại chỉ "chọn" 7 lãnh đạo để “chia lộc”.
Với việc biến chính nhân viên thành chủ nhân của công ty, nhân viên sẽ ngày càng nỗ lực giúp công ty phát triển, lợi ích các cổ đông khác và chính nhân viên sẽ ngày càng lớn - đó cũng là mục đích hướng tới của các doanh nghiệp.
Theo Trí thức trẻ
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội