Từ năm 1991 đến nay, nền kinh tế Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn tăng trưởng, phát triển, đời sống người dân dần được cải thiện. Để đạt được thành tự như ngày hôm nay là kết quả nhiều hoạt động bỏ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển hạ tầng của Nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước. Với triển vọng nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới tiếp tục ổn định, tăng trưởng, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, tạo ra sự hấp dẫn rất lớn cho các hoạt động động đầu tư. Và sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm cho nguồn nhân lực tốt nghiệp ngành Kinh tế đầu tư.
Khoa Quản lý kinh doanh với đội ngũ giảng viên giỏi chuyên môn, nhiệt tình, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Từ năm học 2017 – 2018, khoa Quản lý kinh doanh được sự cho phép của Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ tiến thành đào tạo trình độ đại học ngành Kinh tế đầu tư.
Mục tiêu chung của chương trình đào tạo
Chương trình đào tạo cử nhân ngành Kinh tế đầu tư cung cấp cho người học kiến thức nền tảng về kinh tế, kiến thức chuyên sâu về kinh tế đầu tư. Chương trình chú trọng phát triển năng lực tham gia giải quyết các vấn đề thực tiễn trong quá trình đầu tư, cụ thể là năng lực phân tích, hoạch định, thẩm định, thực thi và quản lý các dự án đầu tư, chính sách và chương trình đầu tư tại các tổ chức kinh tế-xã hội trong và ngoài nước. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, người học có thể trở thành các cán bộ, chuyên viên đầu tư với tư duy chiến lược, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, có khả năng thích nghi với môi trường cạnh tranh toàn cầu.
Mục tiêu cụ thể
Kiến thức:
- Người học nắm vững kiến thức giáo dục đại cương và các kiến thức cơ bản về kinh tế, tài chính;
- Có khả năng thu thập, phân tích và tổng hợp thông tin, dữ liệu phục vụ cho việc phát hiện, đánh giá cơ hội đầu tư;
- Có kiến thức chuyên sâu về lập và thẩm định các chương trình đầu tư, các dự án đầu tư. Có năng lực phân tích, hoạch định, thẩm định, quản lý và thực thi các chính sách đầu tư tại các tổ chức trong nước và quốc tế. Đánh giá tác động qua lại của đầu tư đối với phát triển kinh tế;
- Hiểu rõ các công cụ và phương pháp tiên tiến trong tổ chức, quản lý hoạt động đầu tư, quản lý rủi ro hoạt động đầu tư đáp ứng yêu cầu thực tiễn;
- Có kiến thức trong việc phân tích, tổng hợp các vấn đề về xúc tiến đầu tư, hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội khác.
Kỹ năng:
- Kỹ năng chuyên môn:
Kỹ năng phân tích:Thành thạo trong việc phân tích, tổng hợp và xử lý những thông tin, những vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư như nhận thức cơ hội đầu tư, xác định hiệu quả đầu tư, đánh giá rủi ro và đưa ra quyết định đầu tư;
Kỹ năng hoạch định: Có khả năng xây dựng và tham gia xây dựng chiến lược, kế hoạch đầu tư, xúc tiến đầu tư tại các tổ chức kinh tế - xã hội trên phạm vi một vùng, địa phương hay quốc gia;
Kỹ năng quản lý và giám sát: Có khả năng vận dụng các công cụ và phương pháp tiên tiến trong tổ chức, kiểm tra, giám sát thực hiện các chính sách đầu tư, các chương trình, dự án đầu tư;
Kỹ năng lập, thẩm định dự án đầu tư: Thực hiện thành thạo và sáng tạo việc soạn thảo, thẩm định dự án;
- Kỹ năng mềm: Soạn thảo được các báo cáo công việc đúng chuẩn mực; có khả năng thuyết trình, thuyết phục, đàm phán và giao tiếp tốt, có khả năng làm việc nhóm;
- Kỹ năng bổ trợ: Sử dụng thành thạo phần mềm tin học văn phòng (MS Office), đạt chuẩn đầu ra Tiếng Anh tương đương Bậc 3 theo Thông tư 01/2014/TT-BGD&ĐT quy định về Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (quy đổi tương đương sang một số chứng chỉ ngoại ngữ khác theo Thông tư số 05/2012/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 2 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Năng lực tự chủ và trách nhiệm
- Có đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần cầu tiến và tâm huyết với nghề;
- Có thể làm chủ và tự bồi dưỡng kiến thức kinh tế đầu tư;
- Có năng lực, tư duy quản lý và điều hành hoạt động đầu tư tại các tổ chức
- Có năng lực đổi mới, sáng tạo trong công việc chuyên môn;
- Có khả năng thích nghi với môi trường cạnh tranh toàn cầu;
Vị trí làm việc của người học sau khi tốt nghiệp
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc tại các ví trí trong các tổ chức tại Việt Nam và nước ngoài như:
- Chuyên viênvề hoạt động đầu tư tại bộ phận kế hoạch, dự án trong các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, công ty chứng khoán; Ngân hàng.
- Cán bộ, chuyên viên tư vấn về đầu tư, giám sát hoạt động dự án trong công ty tư vấn đầu tư chuyên nghiệp.
- Chuyên viên tư vấn đầu tư tại Trung tâm xúc tiến đầu tư, hỗ trợ đầu tư tại các địa phương, hoặc trung ương.
- Cán bộ hoạch định chính sách và cán bộ quản lý tại các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế;
- Nghiên cứu viên và giảng viên trong ngành kinh tế đầu tư tại các trường Đại học, các Viện, Học viện.
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội