Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã kéo dài ít nhất từ thế kỷ 16, khi hai nước đã có một mối quan hệ thương mại thân thiện và bình đẳng. Thế kỷ 16, thương nhân Việt Nam đã có những ưu thế từ việc đã bán các sản phẩm của nền nông nghiệp như lụa, đường, gia vị, và gỗ đàn hương - vốn mang lại lợi nhuận khổng lồ ở Nhật Bản - đổi lấy các tài nguyên công nghiệp là các loại kim loại bạc và đồng từ Nhật Bản để chế tạo súng và tiền xu. Mối quan hệ thân thiện và bình đẳng này đã thể hiện bằng việc một quận của Nhật Bản gọi là Nihonmachi đã thành lập tại Hội An dưới triều Nguyễn vào đầu thế kỷ 17. Ngày nay, Việt Nam và Nhật Bản vẫn giữ được những thế mạnh truyền thống của mỗi nước tương ứng về nông nghiệp và công nghiệp, nhưng mối quan hệ giữa hai nước đã có những thay đổi đáng kể do xu hướng công nghiệp hóa toàn cầu đã mang lại lợi thế cho các nước có nền công nghiệp phát triển. Quan hệ hiện tại giữa hai nước dựa trên nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam và vai trò của Nhật Bản làm chủ đầu tư và các nhà tài trợ nước ngoài về công nghiệp. Điều này đã được thể hiện rõ nét thông qua diễn đàn Công nghệ Thông tin – Truyền thông Việt – Nhật 2015.
Ngày 15/1/2015 Tại Khách sạn Marriot Từ Liêm Hà Nội, Bộ Thông Tin và Truyền Thông và Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật bản phối hợp Tổ chức Diễn đàn CNTT-TT Việt Nam - Nhật Bản 2015. TS. Trần Tiến Dũng đại diện Trung tâm Nghiên cứu Phát triển & Chuyển giao Công nghệ, Đại học Công nghiệp Hà Nội đã đến tham dự.
Về phía Việt Nam, đại diện Bộ Thông tin & Truyền thông Việt Nam đã nêu quyết tâm của Đảng và Chính phủ trong việc đẩy mạnh nền Công nghiệp Công nghệ thông tin (CNTT) và Truyền thông (TT), những thành tựu phát triển của ngành CNTT, và những chính sách dành cho các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm phát triển CNTT & TT tại Việt Nam. Quyết tâm của Đảng và Chính phủ về ưu tiên và phát triển CNTT & TT đã thể hiện qua các hành động cụ thể. Tháng 1/2014, Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin. Sau đó vài tháng, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết 36-NQ/TW về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNTT. Ngành CNTT & TT Việt Nam cũng đã có nhiều thành tựu đáng kể. Trong khi nền kinh tế Việt Nam và thế giới gặp nhiều khó khăn, ngành CNTT & TT vẫn tăng trưởng rất nhanh với tổng doanh thu năm 2013 đạt 39,5 tỷ USD, trong đó phần cứng tăng 51,7%, phần mềm tăng 12,7%, và nội dung số tăng 13,9 %. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã và đang có nhiều chính sách và chương trình phát triển CNTT & TT mà doanh nghiệp Nhật Bản có thể quan tâm như: xây dựng hạ tầng phát triển chính phủ điện tử, ứng dụng phổ cập CNTT trong cơ quan, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, và xây dựng mạng lưới trao đổi dữ liệu thông tin chính phủ. Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh vào việc xây dựng các dịch vụ công trực tuyến. Được định hướng đến năm 2020, các dịch vụ này sẽ được cung cấp ở mức 3 (mức giao dịch dữ liệu hai chiều) và mức 4 (mức thanh toán trực tuyến) qua mạng Internet. Về chính sách nguồn nhân lực, nhân lực công nghệ thông tin đang được ưu tiên phát triển. Cụ thể, tổng nhân lực năm 2013 là 440,000 nhân công và mục tiêu sẽ đạt 1 triệu nhân công vào năm 2020. Tóm lại, Việt Nam đã có nhiều thành tựu phát triển CNTT & TT trong thời gian vừa rồi và vẫn còn nhiều chương trình phát triển CNTT & TT đang chờ các nhà đầu tư Nhật Bản.
Về phía Nhật Bản, đại diện Bộ Truyền thông và Hợp tác quốc tế Nhật Bản đã nhắc lại các khoản viện trợ ODA và các khoản đầu tư vào các dự án công nghiệp ở Việt Nam; sau đó, doanh nghiệp Nhật đã nêu các giải pháp và sản phẩm CNTT có thể ứng dụng trong Chính phủ hoặc doanh nghiệp nhà nước. Theo đại diện Chính phủ Nhật Bản, Nhật Bản rất coi trọng mối quan hệ với Việt Nam trong thời gian gầy đây. Đầu năm 2013, mới nhậm chức, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên công du nước ngoài. Trong thời gian vừa qua, Nhật cũng đã đầu tư ODA cho Việt Nam tăng hơn 2 lần so với đầu những năm 2000. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực CNTT Việt Nam để gia công phần mềm không được phía Nhật Bản nhắc tới nhiều trong diễn đàn này. Đại diện các doanh nghiệp Nhật đã giới thiệu nhiều giải pháp và sản phẩm CNTT cho Chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước như: hệ thống giám sát thảm họa và môi trường dựa trên một mạng sensors, xây dựng mạng ảo bằng phần mềm để giảm thời gian và chi phí cấu hình hệ thống, công nghệ xử lý và khai phá dữ liệu hình ảnh và video, công nghệ an ninh mạng, ứng dụng IT trong chính phủ, công nghệ thông tin trong Nông nghiệp, và hệ thống lưới điện vi mô cho hộ gia đình, ô tô. Đây là những lĩnh vực doanh nghiệp Nhật đã đầu tư ở Việt Nam và đang muốn được tiếp cận các chương trình phát triển và ứng dụng CNTT của Chính phủ Việt Nam.
Diễn đàn Công nghệ Thông tin & Truyền thông Việt Nam – Nhật Bản 2015 là một ví dụ sinh động về mối quan hệ hiện nay giữa Việt Nam và Nhật Bản - một mối quan hệ đã có những thay đổi và phát triển đáng kể do xu hướng công nghiệp hóa đang diễn ra toàn cầu.
Hà Nội, ngày 28/01/2015
Kim Chi
From Center for R&D, Hanoi University of Industry
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội