Ngày 13/12/2018, Hội đồng khoa học trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tổ chức nghiệm thu cơ sở đề tài cấp Bộ Công Thương thực hiện năm 2018: “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo thiết bị cầm tay phát nguồn plasma lạnh khử khuẩn thực phẩm”do Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chủ trì thực hiện. TS. Phan Thanh Hòa, Viện Công nghệ HaUI làm chủ nhiệm đề tài.
Sự tràn lan của thực phẩm bị nhiễm bẩn không an toàn do nhiễm hóa chất đang là mối lo ngại rất lớn của người tiêu dùng do chúng làm ảnh hưởng trầm trọng tới sức khỏe và đặc biệt khả năng gây ra ung thư rất cao cho người sử dụng. Đứng trước thực trạng đó, đã có rất nhiều các giải pháp đã được đưa ra nhằm mục đích giảm thiểu các độc tố gây hại cho sức khỏe con người. Nghiên cứu thiết kế và chế tạo thiết bị cầm tay phát nguồn plasma lạnh loại nhỏ ứng dụng công nghệ phóng điện cách ly điện môi để khử khuẩn thực phẩm là một trong những hướng nghiên cứu mới trên thế giới và được các thành viên của đề tài đã nghiên cứu ứng dụng thành công bước đầu tại Đại học Công nghiệp Hà Nội. Đây là đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao.
Hình 1 - Một số hình ảnh về tia Plasma lạnh ở áp suất khí quyển và nhiệt độ phòng
Đề tài đã nghiên cứu được những nội dung chính như sau:
- Nghiên cứu chế tạo bộ nguồn điện xung cao áp sử dụng diode SIDAC nhằm mục tiêu giảm chi phí và thu gọn kích thước cho bộ nguồn điều khiển plasma lạnh.
- Nghiên cứu cơ chế phóng điện cách ly điện môi tạo plasma lạnh
- Chế tạo thử nghiệm thành công thiết bị tạo plasma lạnh loại nhỏ có khả năng khử khuẩn thực phẩm.
Song hành với các nghiên cứu còn rất mới trên thế giới về plasma lạnh, nhóm đề tài đề xuất chế tạo thiết bị tạo plasma lạnh sử dụng diode SIDAC cho bộ nguồn xung cao áp và phương pháp tạo plasma lạnh bằng phóng điện cách ly điện môi tại Việt Nam để làm chủ công nghệ từ công nghệ nguồn plasma lạnh của thế giới. Ứng dụng diode SIDAC trong việc chế tạo bộ nguồn điện cao áp là một hướng đi mới làm cho việc chế tạo bộ nguồn điện đơn giản hơn, nhỏ gọn hơn. Việc chế tạo thành công thiết bị plasma lạnh nhỏ gọn dùng diode SIDAC sẽ làm cơ sở cho việc chế tạo thiết bị plasma lạnh tại Việt Nam trong tương lai gần.
Hình 2 – Đầu điện cực chế tạo trong đề tài
Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao nỗ lực nghiên cứu của chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu. Thành công của đề tài chứng minh khả năng làm chủ công nghệ và nội địa hóa sản phẩm. Hơn nữa nguồn điện xung cao áp của thiết bị được chế tạo từ diode SIDAC sẽ làm giảm đáng kể chi phí của thiết bị. Nếu được hỗ trợ sản xuất từ các công ty trong nước, sản phẩm làm ra sẽ có giá thành thấp, cạnh tranh cao và đặc biệt, loại sản phẩm plasma lạnh khử khuẩn thực phẩm hiện giờ chưa có mặt trên thị trường.
Hội đồng đã bỏ phiếu nhất trí nghiệm thu và đề nghị chủ nhiệm đề tài cùng các cộng sự tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, các báo cáo và hồ sơ chuẩn bị nghiệm thu cấp Bộ.
*Một số hình ảnh thử nghiệm thiết bị trên thực phẩm
Hình 3: Thử nghiệm tia plasma lạnh của thiết bị chế tạo trên thịt gà sống và thay đổi bề mặt vùng thử nghiệm (tia màu tím là plasma lạnh)
Hình 4: Thử nghiệm tia plasma lạnh của thiết bị chế tạo trên miếng bánh mì mốc (Tia màu tím là plasma lạnh)
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội