BIPP là dự án song phương được Vương Quốc Bỉ tài trợ cho Việt Nam từ nguồn vốn ODA không hoàn lại thông qua Cơ quan Phát triển Bỉ (Enabel) trong giai đoạn 2014-2018 với tổng ngân sách dự kiến 4,400,000 EUR trong đó phần đóng góp từ phía Bỉ là 4,000,000 EUR. Dự án nhằm hỗ trợ Việt Nam tạo ra một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp KHCN vừa và nhỏ, xây dựng chính sách và cơ chế phù hợp để thúc đẩy hình thành và phát triển các trung tâm, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp KHCN tại Việt Nam; trên cơ sở một số sản phẩm khoa học công nghệ tiềm năng đã được hình thành từ các nghiên cứu trước đó, hoàn thiện và đẩy mạnh thương mại hóa ra thị trường.
Dự án BIPP có sự tham gia của các viện nghiên cứu, trường đại học hàng đầu Việt Nam và một số trung tâm ươm tạo, doanh nghiệp KHCN. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội tham gia hợp phần I của BIPP với dự án “Nâng cao công nghệ chế tạo, sản xuất và thương mại hóa sản phẩm khuôn đùn ép nhôm sử dụng trong gia công thanh hợp kim nhôm định hình trong lĩnh vực xây dựng” do Viện Công nghệ HaUI chủ trì phối hợp với Khoa Cơ khí, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội và Công ty Cổ phần nhôm Nam Hải (Euroha). Sau 2 năm triển khai thực hiện, dự án đã hoàn thành với các nội dung, kết quả được các chuyên gia quốc tế độc lập trong các lĩnh vực xây dựng chính sách, chuyên môn, tài chính đánh giá và thẩm định.
Ngày 22 tháng 11 năm 2018, Bộ KH&CN, Cơ quan Phát triển Bỉ và Ban quản lý dự án BIPP tổ chức lễ tổng kết nhằm đánh giá các kết quả đạt được của dự án; tổ chức tọa đàm về các chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo công nghệ cho các doanh nghiệp và cơ sở ươm tạo doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, và doanh nghiệp KHCN
Toàn cảnh lễ tổng kết dự án BIPP
Thứ trưởng Trần Văn Tùng (ảnh trái) và Ngài Đại sứ Paul Jansen (ảnh phải)
Bà Krista Verstraelen - Đại diện CQ Phát triển Bỉ (ảnh trái) và ông Trần Đắc Hiến - Giám đốc BQL dự án BIPP (ảnh phải)
Tổng kết dự án, ông Trần Đắc Hiến đã nhấn mạnh các kết quả chính đạt được:
- Hỗ trợ tạo ra môi trường thuận lợi cho các DN KHCN vừa và nhỏ. Tạo ra một loạt các cơ chế phù hợp để hình thành và vận hành các cơ sở ươm tạo KHCN nhằm củng cố khu vực doanh nghiệp KHCN vừa và nhỏ;
- Tài trợ 2 dự án cho Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp KHCN của Viện Ứng dụng Công nghệ (Nacentech), và Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ thuộc Trường ĐHBK TPHCM, với kết quả 2 đơn vị đã hỗ trợ 67 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, 23 dự án ươm tạo, hàng chục khóa đào tạo và hoạt động ươm tạo; nâng cấp cơ sở hạ tầng cho đơn vị; Tổ chức hàng chục hội thảo, các khóa đào tạo về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo…
- Tài trợ nhiều dự án nhằm hoàn thiện công nghệ, sản xuất và nâng cao khả năng thương mại hóa sản phẩm, tiêu biểu là các dự án: ghế chỉnh hình và phòng ngừa bệnh cột sống (Ngan Ha), thực phẩm chức năng Nano (Fucoidan-Curcumin-Ginseng) (Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam), khuôn đùn ép nhôm trong lĩnh vực xây dựng (Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội).
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về các công nghệ mới, chuyển giao công nghệ và các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo;
- Tài trợ một số dự án nhằm tăng cường, nâng cao năng lực, quản lý điều hành cho một số trung tâm ươm tạo doanh nghiệp. Tiêu biểu là các dự án cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường ĐH Nông lâm TPHCM, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao.
Dự án BIPP cũng đúc kết một số bài học kinh nghiệm:
- Hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo ở Việt Nam mới hình thành nên còn nhiều hạn chế. Khung pháp lý và chính sách hỗ trợ hoạt động ươm tạo DN vừa thiếu vừa chưa đồng bộ;
- Nhận thức của doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý, cá nhân khởi nghiệp về các lợi ích của việc ươm tạo còn hạn chế;
- Các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp còn thiếu một chiến lược phát triển bền vững, chương trình hành động có tính dài hạn, thiếu chủ động và tự chủ nên thường gặp nhiều khó khăn khi không có các nguồn vốn hỗ trợ;
- Cơ chế tài trợ cho các hoạt động ươm tạo doanh nghiệp KHCN của BIPP là phù hợp với thực tiễn Việt Nam, do vậy cần được nhân rộng.
Phát biểu về kết quả của dự án BIPP, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhận định dự án đã giúp xây dựng một khuôn khổ chính sách và hỗ trợ cho các cơ sở ươm tạo để hình thành và phát triển lực lượng KHCN của VN trong thời gian qua. Dự án cũng hỗ trợ cho các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại VN.
Ngài Paul Jansen đã đánh giá cao các kết quả đạt được cũng như hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA không hoàn lại của Vương Quốc Bỉ cho Việt Nam trong Dự án nhằm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các DN KHCN vừa vào nhỏ ỏ VN. Thành công của dự án BIPP được Cơ quan Phát triển Bỉ ghi nhận và hy vọng sẽ có thể áp dụng mô hình dự án này ở những nơi khác.
Cuối lễ tổng kết là chương trình tọa đàm do Cục Phát triển Doanh nghiệp chủ trì với sự tham gia của đại diện trường ĐH, viện nghiên cứu, doanh nghiệp về các chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo công nghệ cho các doanh nghiệp và cơ sở ươm tạo doanh nghiệp tại Việt Nam.
*Một số hình ảnh trong lễ tổng kết
Đón tiếp các đại biểu tham dự
Trao đổi trong giờ giải lao (ảnh trái); Ngài DongHwa Kum - Chủ tịch Viện V-KIST (ngồi giữa, ảnh phải)
Tọa đàm về các chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo công nghệ cho các doanh nghiệp và cơ sở ươm tạo doanh nghiệp tại Việt Nam
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội