Sáng ngày 04/08/2018, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tổ chức buổi làm việc với Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Cao Bằng về việc kiểm tra định kỳ năm 2018 tiến độ thực hiện đề tài: “Ứng dụng saponin kết hợp với chitosan và axit axetic tạo màng sinh học, nhằm kéo dài thời gian bảo quản và giữ được các đặc tính đặc trưng của quả quýt tỉnh Cao Bằng” do PGS.TS. Nguyễn Văn Lợi, trưởng phòng CNSH & CBTP, Viện CN HaUI làm chủ nhiệm.
Đoàn kiểm tra của Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Cao Bằng gồm có đồng chí Hoàng Giang, Giám đốc Sở làm trưởng đoàn, đồng chí Triệu Thị Kiều Dung, Trưởng phòng Quản lý khoa học và chuyên viên phòng Tài chính kế toán. Đón tiếp và làm việc với đoàn có PGS.TS. Phạm Văn Đông, trưởng phòng Khoa học Công nghệ, PGS.TS. Phạm Đức Cường, Viện trưởng Viện Công nghệ HaUI và các thành viên tham gia thực hiện đề tài.
Toàn cảnh buổi làm việc
Cao Bằng là một tỉnh miền núi có nhiều loại cây ăn quả đặc sản thơm ngon nổi tiếng như hạt dẻ Trùng Khánh, mận máu Bảo Lạc, lê Trà Lĩnh, quýt Hà Trì, cam Trưng Vương, bưởi Phục Hòa… trong đó quýt Trà Lĩnh là sản phẩm có thương hiệu và mang lại giá trị kinh tế lớn góp phần nâng cao đời sống người dân. Sau khi thu hoạch, quả quýt phải được bảo quản ngay nếu không sẽ bị xốp múi và quả hỏng rất nhanh. Xuất phát từ thực tế đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng quy trình công nghệ bảo quản quả quýt bằng cách dùng các chế phẩm sinh học được pha chế theo công thức hóa học có tỷ lệ thích hợp nhất từ chitosan, saponin và axit axetic tạo thành màng sinh học có khả năng kháng khuẩn, an toàn cho người sử dụng để bảo quản quả quýt trong thời gian từ 40 – 45 ngày ở điều kiện nhiệt độ bình thường.
Việc sử dụng các chế phẩm sinh học có nguồn gốc tự nhiên để tạo màng bảo quản nông sản thực phẩm là một hướng đi mới hiện nay trên thế giới và trong nước, góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường, tiết kiệm được chi phí.
Đề tài: “Ứng dụng saponin kết hợp với chitosan và axit axetic tạo màng sinh học, nhằm kéo dài thời gian bảo quản và giữ được các đặc tính đặc trưng của quả quýt tỉnh Cao Bằng” được tỉnh Cao Bằng tuyển chọn và đưa vào thực hiện từ tháng 02/2017 đến tháng 6/2019.
Tại buổi làm việc, PGS.TS. Nguyễn Văn Lợi báo cáo tiến độ và khối lượng công việc nhóm nghiên cứu đã thực hiện của đề tài trong thời gian vừa qua. được thực hiện từ tháng 12/2017 đến nay đã tiến hành thực hiện được các nội dung chính:
- Nhóm nghiên cứu thử nghiệm và đã chọn được phương pháp nhúng là phương pháp bảo quản phù hợp nhất cho quả quýt.
- Thí nghiệm tạo màng sinh học từ saponin kết hợp với chitosan và axit axetic với các thành phần và nồng độ khác nhau để xác định tỷ lệ tốt nhất.
Hình ảnh quả quýt Trà Lĩnh – Cao Bằng
Kết luận tại buổi kiểm tra, Đ/c Hoàng Giang – Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Cao Bằng đã ghi nhận những cố gắng nỗ lực của chủ nhiệm đề tài, cơ quan chủ trì trong quá trình triển khai thực hiện. Đề tài đã thực hiện đúng tiến độ các nội dung nghiên cứu, thực hiện tốt chế độ báo cáo theo quy định; Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu nên xác định và làm rõ thêm một số công thức tại thời điểm thu hoạch, thời gian bảo quản và tỷ lệ phần trăm quýt còn lại bảo quản sau khi thu hoạch để nội dung nghiên cứu của đề tài được toàn vẹn hơn.
Đại diện cho nhóm nghiên cứu, PGS.TS. Nguyễn Văn Lợi cảm ơn ý kiến đóng góp quý báu của đoàn kiểm tra và xin tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung theo thuyết minh đã được phê duyệt cũng như các ý kiến bổ sung trong cuộc họp lần này. PGS Phạm Văn Đông thay mặt nhà trường cảm ơn buổi làm việc của Sở khoa học và công nghệ tỉnh Cao Bằng, nhắc nhở chủ nhiệm và các thành viên thực hiện thật tốt các nội dung nghiên cứu và mong muốn có các hợp tác NCKH giữa Tỉnh và Nhà trường trong nhiều lĩnh vực KHCN khác.
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội