Hà Tĩnh là tỉnh có tiềm năng phát triển cây ăn quả, đặc biệt là cây ăn quả có múi, như cây cam, cây bưởi. Hiện nay tỉnh đang đẩy mạnh phát triển hai loại cây này. Theo Cục Thống kê tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay tổng diện tích cây ăn quả có múi của tỉnh là 10.414 ha, chiếm 64,79% tổng diện tích cây ăn quả, tăng 1.033 ha so với cùng kỳ năm 2017. Diện tích cây cam tăng 628 ha, cây bưởi tăng 397 ha, cây chanh tăng 14 ha. Bên cạnh việc tăng về diện tích thì sản lượng cam, bưởi năm 2018 của tỉnh cũng tăng cao so với năm 2017, cụ thể cam tăng 284 tấn, bưởi tăng 867 tấn. Với diện tích và sản lượng cam, bưởi ngày càng được tăng lên, thì vấn đề bảo quản và chế biến sau thu hoạch cần phải tính đến để tránh được tình trạng được mùa mất giá vào mùa thu hoạch cao điểm. Quả cam, quả bưởi khi đã chín nếu không được thu hoạch kịp thời mà vẫn để ở trên cây sẽ làm cho quả bị xốp, làm giảm chất lượng của quả và đồng thời khi vẫn để quả ở trên cây, cây phải cung cấp dinh dưỡng để nuôi quả, do đó sẽ gây ảnh hưởng đến năng suất của vụ sau.
Theo hướng nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ thực phẩm và bảo quản, nhóm nghiên cứu viện công nghệ HaUI trường Đại học Công nghiệp Hà nội do PGS. TS. Nguyễn Văn Lợi chủ trì tiếp tục đề xuất đề tài khoa học công nghệ tại Hà tĩnh về “Nghiên cứu ứng dụng màng sinh học saponin kết hợp với chitosan và axit axetic trong bảo quản quả cam, bưởi tại Hà Tĩnh”.
Ngày 12/3/2019, tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh, Hội đồng Khoa học của Sở đã tổ chức xét duyệt thuyết minh Đề tài. Tham dự buổi xét duyệt có ông Đỗ Khoa Văn – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh, các thành viên trong Hội đồng và đại diện các đơn vị trên địa bàn tỉnh như Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH và CN tỉnh Hà Tĩnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng, vật nuôi các huyện Hương Khê. Đại diện nhóm nghiên cứu có PGS.TS. Nguyễn Văn Lợi và ThS. Nguyễn Minh Thắng, viện Công nghệ HaUI.
PGS.TS Nguyễn Văn Lợi trình bày thuyết minh Đề tài.
PGS.TS. Nguyễn Văn Lợi thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày các nội dung thực hiện của đề tài. Trên cơ sở nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng chính đến sự biến đổi sinh hóa và chất lượng các thành phần dinh dưỡng, giá trị cảm quan, tỷ lệ thối hỏng của quả cam, quả bưởi trong thời gian bảo quản để xây dựng quy trình bảo quản phù hợp. Đồng thời trên cơ sở nghiên cứu về tính ưu việt của màng sinh học saponin kết hợp với chitosan và axit axetic, nhóm nghiên cứu sẽ đưa ra chế độ công nghệ bảo quản phù hợp đối với quả cam, quả bưởi tại tỉnh Hà Tĩnh. Các thành viên trong Hội đồng đã nghiên cứu, đặt câu hỏi thảo luận, đề xuất chỉnh sửa, bổ sung nhằm hoàn thiện thuyết minh để phù hợp với điều kiện thực tế thực hiện đề tài tại địa phương. Hội đồng đã thống nhất, đề nghị nhóm nghiên cứu viết ngắn gọn, cô đọng lại các nội dung thực hiện, kế thừa các nghiên cứu cơ bản từ trước, chú trọng vào nghiên cứu mang tính ứng dụng thực tiễn cao, thực hiện nghiên cứu trên đối tượng cam chanh Hà Tĩnh thay cho cam Bù Hương Sơn, xem xét chỉnh sửa kinh phí thực hiện đề tài theo đúng quy định.
Ông Đỗ Khoa Văn – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh phát biểu nhận xét tại buổi họp xét duyệt thuyết minh Đề tài.
Sau khi thảo luận, Hội đồng khoa học của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh đã đánh giá cao tính khả thi và lợi ích của đề tài và chấm điểm hồ sơ. Với kết quả điểm trung bình của các thành viên trong Hội đồng là 80 điểm, hồ sơ của đơn vị chủ trì hoàn toàn đủ điều kiện để thực hiện đề tài theo đúng quy định. Hội đồng khoa học của Sở đề nghị nhóm nghiên cứu hoàn thiện, thuyết minh và nhất trí giao cho Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chủ trì thực hiện đề tài trong năm 2019.
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội