Ngày 14/01/2019, tại hội trường UBND xã Quang Hán, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng, nhóm nghiên cứu Đề tài KHCN cấp tỉnh “Ứng dụng saponin kết hợp với chitosan và axit axetic tạo màng sinh học, nhằm kéo dài thời gian bảo quản và giữ được các đặc tính đặc trưng của quả quýt tỉnh Cao Bằng” tổ chức buổi tập huấn kỹ thuật bảo quản quả quýt Trà Lĩnh bằng màng sinh học (saponin kết hợp với chitosan và axit axetic). Đề tài do PGS. TS. Nguyễn Văn Lợi (Viện Công nghệ HaUI – Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) làm chủ nhiệm.
Tới dự buổi tập huấn, về phía Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Cao Bằng có sự tham dự của Bà Vũ Thị Hồng Thúy – Phó Giám đốc và các cán bộ của Sở, đại diện UBND xã Quang Hán và UBND huyện Trà Lĩnh, cùng đông đảo các hộ nông dân trồng quýt trên địa bàn xã Quang Hán.
Quýt là cây trồng được trồng nhiều ở tỉnh Cao Bằng hiện nay, đặc biệt là ở huyện Trà Lĩnh có 70,04 ha.
Vườn quýt tại xã Quang Hán và hình ảnh quýt bảo quản tại mô hình
Công nghệ xử lý, bảo quản tại đây phần lớn vẫn theo phương pháp truyền thống với quy mô nhỏ, chi phí bảo quản cao (bảo quản bằng hóa chất, bảo quản lạnh) nên số lượng sản phẩm bảo quản tuy nhiều nhưng chất lượng chưa cao, thời gian bảo quản ngắn, tỷ lệ thối hỏng trong quá trình bảo quản cao nên chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Công nghệ bảo quản quả quýt bằng màng sinh học saponin kết hợp với chitosan và axit axetic được thực hiện trong điều kiện môi trường tự nhiên, do đó tiết kiệm được các chi phí trong quá trình bảo quản và áp dụng được ở nhiều quy mô như quy mô công nghiệp, quy mô trang trại, quy mô gia đình, với giá thành chỉ bằng 60- 65% so với phương pháp bảo quản lạnh. Đặc biệt đây là màng sinh học, ăn được do đó đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.
PGS.TS. Nguyễn Văn Lợi trình bày kỹ thuật bảo quản quả quýt Trà Lĩnh bằng màng sinh học
Tại buổi tập huấn, PGS. TS. Nguyễn Văn Lợi đã trình bày tóm tắt quá trình nghiên cứu và đưa ra được quy trình công nghệ bảo quản quả quýt Trà Lĩnh bằng màng sinh học saponin kết hợp với chitosan và axit axetic.
Tiếp theo, nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài đã trình bày phần thực nghiệm pha dung dịch chế phẩm sinh học để bảo quản quả quýt Trà Lĩnh trước đông đảo bà con nông dân, lãnh đạo Sở KHCN, khách mời. Quá trình thực hiện rất đơn giản, dễ làm, phù hợp với các hộ gia đình.
PGS.TS. Nguyễn Văn Lợi tiến hành phần thực nghiệm pha dung dịch chế phẩm sinh học để bảo quản quả quýt Trà Lĩnh và giải đáp câu hỏi của các khách mời
Trao đổi tại buổi tập huấn, một số hộ nông dân trồng quýt đặt câu hỏi về sự phổ biến và giá thành của nguyên vật liệu để tạo màng sinh học. Chủ nhiệm đề tài thay mặt nhóm nghiên cứu trả lời câu hỏi, nguyên vật liệu để tạo màng sinh học rất phổ biến, dễ kiếm theo tính toán sơ bộ, giá thành chi phí màng sinh học để bảo quản cho 1kg quýt chỉ khoảng 500 – 600 đồng.
Thay mặt cho các hộ nông dân trồng quýt tại xã Quang Hán, đ/c Hoàng Văn Dương, chủ tịch UBND xã, đánh giá cao khả năng ứng dụng và hoàn toàn phù hợp với điều kiện sẵn có của địa phương.
Thay mặt Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng, đồng chí Vũ Thị Hồng Thúy – Phó Giám Sở cảm ơn nhóm nghiên cứu và đánh giá cao ý nghĩa thực tiễn của đề tài cũng như kết quả của buổi tập huấn.
Đồng chí Vũ Thị Hồng Thúy – Phó Giám Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng phát biểu tại buổi tập huấn
Kết thúc buổi tập huấn, các khách mời tiến hành tham quan mô hình bảo quản quýt Trà Lĩnh bằng màng sinh học. Mặc dù thời gian bảo quản đã được gần 20 ngày, nhưng chất lượng vẫn đảm bảo, quả quýt vẫn giữ được màu sắc tự nhiên và hương vị đặc trưng.
PGS.TS. Nguyễn Văn Lợi – chủ nhiệm Đề tài và mô hình bảo quản quả quýt Trà Lĩnh
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội